Ca khúc Việt thoái trào ở các sân thi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Càng ngày, người ta càng nhận thấy rõ nét sự thoái trào của ca khúc Việt, đặc biệt ở các sân thi âm nhạc. Đơn cử, "Bài hát Việt" với mục đích mang lại cảm xúc cho khán giả qua tiêu chí: Nói không với hát nhép, nhưng dường như hơn một năm qua đi, chương trình chỉ làm khán giả thêm thất vọng.

 “So bó đũa chọn cột cờ”

Hiện có hai sân thi trên truyền hình được công chúng biết đến, thể hiện một phần thực tế đời sống sáng tác nhạc Việt: "Bài hát yêu thích" (BHYT) và "Bài hát Việt" (BHV). Thế nhưng, tiêu chí lựa chọn ca khúc của hai sân chơi này ngày càng mờ nhạt, sau khi nhận được giải, chẳng có mấy ca khúc đi vào đời sống âm nhạc. Có thể kể trong số đó như "Bà tôi" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Quê nhà" (Lê Minh Sơn), "Con cò" (Lưu Hà An)... Từ năm 2011, dù ca khúc đã đoạt giải Bài hát của tháng hay Bài hát của năm trong chương trình BHV, cũng chưa có tác phẩm nào thật sự đáng nhớ. "Mùa yêu đầu" của Đinh Mạnh Ninh được tôn vinh ở BHV tháng 9/2012, đánh dấu lần chiến thắng thứ hai của chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ này. Tuy nhiên, "Mùa yêu đầu" chỉ là ca khúc tương đối dễ nghe, đậm chất tự sự, như nhiều bài hát khác trên thị trường. Hay trước đó, Ban Tổ chức tôn vinh ca khúc "Lá cờ", "Hà Nội trà đá vỉa hè"... cũng không có gì mới mẻ để hấp dẫn người nghe.

Ca khúc Việt thoái trào ở các sân thi - Ảnh 1

Chương trình "Bài hát Việt" hơn một năm qua đi chỉ làm khán giả thất vọng. Ảnh: Ca sĩ Đổng Lan trong Bài hát Việt 2012.

Với tham vọng trở thành "Bảng xếp hạng chuẩn" của nhạc Việt, BHYT lựa chọn ca khúc theo tiêu chí bầu chọn của khán giả và hội đồng nghệ thuật. Nhưng đôi khi, sự lẫn lộn giữa nghệ thuật và thị hiếu khán giả, lại khiến những tác phẩm kém hiệu ứng trong khán giả. Điều này đồng nghĩa với việc chương trình chưa chắt lọc được những tinh hoa của thị trường âm nhạc. Vì thế, ca khúc "Vòng tròn" (Võ Thiện Thanh) đoạt giải Bài hát của tháng (tháng 9/2012) chưa thật thể hiện sự đột phá trong âm nhạc, lẫn hiệu ứng thị trường. Liveshow BHYT mới đây nhất tôn vinh sáng tác mang tính thời sự của nhóm MTV - tác phẩm "Nói chung là" nói về thảm họa của nhạc Việt. Tiếp theo "Nói chung là" là "Nơi tình yêu bắt đầu", "Lời tôi ru", "Cơn mưa ngang qua"... với sự góp mặt của Tấn Minh, Nguyễn Đình Thanh Tâm... Chẳng hiểu với hành trình đang đi này, BHYT có thể kéo lại lượng khán giả đang có xu hướng thờ ơ với nhạc Việt?

Bệnh “lười” của nghệ sĩ

Công nghệ phát triển, ngày càng nhiều nhạc sĩ ứng dụng công nghệ vào sáng tác. Cụ thể, nhạc điện tử - electronic xuất hiện với liều lượng ngày càng dày, đậm hơn trong những sáng tác mới, đã phần nào hiện đại hóa đời sống nhạc Việt. Nhưng, chính ứng dụng này đã tạo ra sự lười biếng đến khó chấp nhận của một số tác giả.

Bằng chứng là các bản phối âm lại, dựa trên các đoạn nhạc nền của nhạc Hoa, Hàn Quốc trong nhiều bài hát trên các trang nhạc online gần đây, là hệ quả của việc "ăn xổi", lười biếng, thực dụng đang "ẩn" trong lớp nhạc sĩ trẻ. Bệnh "lười" này đã tạo ra một dàn ca khúc dễ nghe (vì lấy sẵn đoạn nhạc nền của những ca khúc nổi tiếng) nhưng ca từ nhạt nhẽo, hời hợt. Chính vì thế, những Bảo Thy, Cao Thái Sơn, và mới đây nhất là Thủy Tiên, phải hứng chịu nhiều điều tiếng từ người yêu nhạc với các "nghi án" đạo nhạc.

Ca khúc nhạc Việt thoái trào như thế, chính là lời giải thích cho câu hỏi vì sao ca khúc tiếng Anh, tiếng Hàn ngày càng có chỗ đứng trong danh mục nghe của giới trẻ Việt. Câu hỏi ấy sẽ không có lời đáp khi lực lượng sáng tác chưa đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của đời sống âm nhạc.