Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cá lớn” đang nuốt dần “cá bé”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự bành trướng của những tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop … thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ ngày càng teo tóp dần.

Trong các lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ điện thoại di động là một trong những mảng có sự cạnh tranh khốc liệt và đào thải nhanh nhất. Với doanh thu “khủng” lên tới hơn 65.000 tỷ đồng năm 2015 và hứa hẹn sẽ còn tăng mạnh trong những năm sắp tới, nhiều tên tuổi lớn đang đua nhau vung tiền “tấn” để mau chóng bành trướng thị phần. Và cuộc đua này không có chỗ cho các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GFK Việt Nam, thị phần bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam trong năm 2014 có 25% thuộc về Thế Giới Di Động, những hãng khác như FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel … chiếm 25% và các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm 50% còn lại.
Để tồn tại, các cửa hàng kinh doanh di động nhỏ lẻ phải kiêm thêm nhiều dịch vụ đi kèm như mua laptop cũ, ép kính điện thoại ... (ảnh: Hà Thanh)
Để tồn tại, các cửa hàng kinh doanh di động nhỏ lẻ phải kiêm thêm nhiều dịch vụ đi kèm như mua laptop cũ, ép kính điện thoại ... (ảnh: Hà Thanh)
Chỉ đúng 1 năm sau đó, các con số trên có sự thay đổi rõ rệt, Thế Giới Di Động tăng thị phần lên 30% trong năm 2015, nhóm FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store … cũng tăng lên 30%. Và tất nhiên, số tăng lên này là chiếm lĩnh từ các cửa hàng nhỏ lẻ, thị phần của những tiểu thương này đã rút xuống chỉ còn 40%. Cũng trong 1 năm đó, theo GFK Việt Nam đã có khoảng 3.000 cửa hàng nhỏ lẻ dạng trên phải đóng cửa.

Những con số trên đã phản ánh rõ sự thất thế ở hiện tại và trong cả tương lai đối với các cửa hàng bán lẻ điện thoại di động quy mô nhỏ. Trên thực tế, những con phố như Đặng Dung, Chùa Bộc, Thái Hà, thường nổi tiếng trong quá khứ là “phố điện thoại” với vô số cửa hàng kinh doanh cùng một loại sản phẩm nằm san sát nhau nhưng tới hiện tại, số lượng những điểm bán này đã rút gọn đi rất nhiều. Thậm chí, tại Chùa Bộc, khá khó khăn để tìm thấy một điểm bán điện thoại thường nằm lọt thỏm giữa hàng loạt cửa hàng thời trang.

Theo tìm hiểu của Kinh tế & Đô thị, nếu như trước đây, các cửa hàng nhỏ có thể cạnh tranh được với những DN bán lẻ lớn nhờ vào sự chênh lệch mức giá giữa điện thoại xách tay và chính hãng. Tuy nhiên lợi thế này ngày càng bị xóa nhòa khi các “ông lớn” trên sẵn sàng giảm giá bán, chỉ kiếm lời qua số lượng để chiếm thị phần. Bên cạnh đó hàng loạt dịch vụ bảo hành, hậu mãi sau bán hàng cũng được những DN này triển khai nhằm thu hút người tiêu dùng.

Anh Tùng (ở quận Cầu Giấy), người có gần 10 năm bán lẻ điện thoại di động, cho biết, cách đây khoảng 5 năm, nghề này được coi là thu nhập cao, bán mỗi chiếc điện thoại lời được ra 1 – 3 triệu là chuyện bình thường. Tuy nhiên tới hiện tại, hòa vốn cũng phải làm để giữ khách, lời ra được khoảng 500.000 đồng cũng ổn lắm rồi.

Chênh lệch giá với các cửa hàng lớn giờ không đáng kể, vì vậy số lượng máy bán được cũng giảm mạnh, bên cạnh đó giá thuê nhà ngày một tăng, không hiểu có trụ được 1 năm nữa không, anh Tùng than thở.

Không chỉ xâm lấn thị phần bằng cách giảm giá sản phẩm, các DN bán lẻ lớn cũng liên tục mở rộng điểm bán, tọa lạc tại mặt tiền của hầu hết các con phố chính, tập chung đông dân cư. Đơn cử như Thế Giới Di Động hiện đang có 633 điểm bán, con số này của FPT Shop là 260 và Viettel Store là 300. Những DN này cũng đã lên kế hoạch mở rộng thêm 200 – 300 điểm bán mới ngay trong năm 2016.

Ngoài sức ép từ “cá lớn” đã có kinh nghiệm lâu năm như trên, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ còn phải đối mặt với nguy cơ đến từ những tên tuổi mới sẵn sàng nhảy vào tranh giành thị phần như VinPro (của Vingroup) hay chuỗi bán lẻ của MobiFone. Đây đều là những DN có tiềm lực tài chính cực kỳ mạnh mẽ, vì vậy cơ hội để cạnh tranh cho các cửa hàng nhỏ là gần như không có.

Tuy nhiên, tính tới hiện tại, “cửa sống” dành cho những cửa hàng dạng này vẫn có khi chấp nhận đi vào các thị trường ngách mà những DN lớn chưa quá chú trọng. Có thể kể đến như kinh doanh điện thoại cũ, phụ kiện hoặc phân phối các thương hiệu điện thoại chưa nổi tiếng như Gionee hay Mobell. Mặc dù vậy, các loại hình này đều không thể mang lại doanh thu cao như trước đây và cũng chỉ là dạng manh mún trước khi các tên tuổi lớn chưa chú ý.

Về việc các cửa hàng nhỏ lẻ ngày càng bị thu hẹp thị phần và tiến dần tới nguy cơ bị xóa sổ, đại diện Thế Giới Di Động cho rằng, đây là một xu thế tất yếu, người mua đang có xu hướng sử dụng những dịch vụ mua sắm chuyên nghiệp, hậu mãi tốt và mức giá phải chăng, đây cũng là những tiêu chí chính được các hãng bán lẻ lớn áp dụng. Nếu khách hàng được phục vụ tốt thì đương nhiên chẳng có lý do gì khiến họ không quay lại những điểm bán như vậy.