Cà Mau: Đậm sắc “Hương rừng U Minh”

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước chào mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Ngày Quốc tế Lao động 01/5, Cà Mau đã khai mạc sự kiện “Hương rừng U Minh.”

Nằm trong chuỗi sự kiện Cà Mau - Điểm đến năm 2023, sáng nay 26/4, Ủy ban nhân dân huyện U Minh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh hạ đã tưng bừng tổ chức sự kiện “Hương rừng U Minh” lần thứ 3 năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó CT UBND huyện U MInh khai mạc sự kiện  
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó CT UBND huyện U MInh khai mạc sự kiện  

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Liêm, PCT UBND huyện U Minh nhấn mạnh: “Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của huyện thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển thu hút đầu tư thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh.”

Theo ông Liêm, mảnh đất U Minh, là căn cứ cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, là nơi dung trú của những con người kiên trung bất khuất. Với vùng rừng tràm rộng lớn, U Minh đã trở thành nơi che chở, đùm bọc an toàn cho nhiều cơ quan của Trung ương cục miền Nam, của Khu ủy Tây Nam Bộ và một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bám trụ, lãnh đạo phong trào cách mạng Miền Nam trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước: như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tái hiện chợ quê U Minh với sững sản vật tự nhiên vốn có   
Tái hiện chợ quê U Minh với sững sản vật tự nhiên vốn có   

U Minh là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Nhắc đến U Minh, người ta nghĩ ngay đến cây tràm và “cây tràm là biểu trưng của vùng đất U Minh.” Ngày nay, với lợi thế đất và người qua bao năm tháng, đã tạo dựng cho đất U Minh một thế mạnh khác biệt để phát triển kinh tế. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, huyện U Minh có nhiều phát triển, diện mạo quê hương không ngừng thay đổi, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng có nhiều điểm sáng. Đến nay huyện U Minh có 04 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến năm

Các cô gái U Minh đang chuẩn bị phần hội thi bánh dân gian  
Các cô gái U Minh đang chuẩn bị phần hội thi bánh dân gian  

2025 huyện U Minh đạt chuẩn nông thôn mới. Qua 40 năm thành lập và phát triển, huyện U Minh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất vào năm 2019.

Ngoài các sản phẩm thế mạnh của huyện thì rừng U Minh còn có nhiều loài động vật quý hiếm,…với nhiều loại cây, dây rừng có giá trị đặc biệt riêng, cây tràm là loài cây sinh sống lâu đời trên vùng đất U Minh, gắn bó với thiên nhiên, con người nơi đây.

Sự kiện “Hương rừng U Minh” lần thứ 3 năm 2023, đây là dịp để khơi dậy và phát triển những nét văn hóa, du lịch đặc trưng về con người và vùng đất U Minh, tạo điều kiện để các đơn vị có dịp giao lưu trải nghiệm và khám phá những sản vật của rừng U Minh hạ.

Nằm trong sự kiện du lịch này, các hoạt động vui chơi, giải trí với chủ đề “Trò chơi dân gian” như: Hội thi bánh dân gian; đi bộ xuyên rừng Vườn Quốc gia U Minh hạ; Hội chợ thương mại, kết hợp giới thiệu sản phẩm đặc trưng của U Minh; Hội thao cơ sở; tham quan vườn cây ăn trái; … cũng sẽ được tổ chức.

Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Đây là dịp để xây dựng hình ảnh quê hương U Minh phong phú, đa dạng về tiềm năng, giúp huyện khai thác tốt cơ hội, lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo; đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ, thương mại, thu hút đầu tư du lịch.”

Theo ông Hùng, tiềm năng phát triển Du lịch của U Minh còn rất lớn, đặc biệt ở nơi đây còn có nghề truyền thống “gác kèo ong” đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ xa xưa, mật ong rừng U Minh với chất lượng tốt, đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, làng nghề đan đát truyền thống nằm ẩn mình trong những vườn dâu xanh tạo nên bức tranh yên bình, thơ mộng của một miền quê.

“Tuyến du lịch kết hợp rừng - biển với hàng chục héc-ta rừng tràm thuộc Tuyến 29-89 và rừng ngập mặn ven cửa biển Khánh Hội đã được quy hoạch xây dựng. Tương lai không xa huyện U Minh sẽ có tuyến du lịch hoàn chỉnh để phục vụ nhu cầu du lịch” – ông Hùng nói thêm.

Được biết, “Mật ong rừng U Minh” và  “Lẩu mắm U Minh” đã được “xác lập 100 đặc sản quà tặng Việt Nam” và được tổ chức Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận tổ ong và lẩu mắm lớn nhất Việt Nam.