Tỉnh chỉ đạo hỏa tốc
Ngày 14/8 trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đen Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh này vừa có công văn hỏa tốc số 6663/UBND-NNTN yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ tàu cá tháo thiết bị giám sát hành trình vừa phát hiện ngày 7/8/2024. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật đối với vụ việc tháo thiết bị giám sát hành trình, như đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Yêu cầu Sở NN&PTNT cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tang vật có liên quan đến vụ việc cho Công an tỉnh trước ngày 16/8/2024. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Như báo Kinh tế và Đô thị đã thông tin, ngày 7/8/2024, tại ấp Đất Mới và ấp Đất Biển xã Phong Điền huyện Trần Văn Thời, Chi cục Kiểm ngư tỉnh Cà Mau phát hiện 2 tàu cá đang đánh bắt thủy sản ngoài khơi, nhưng đã tháo thiết bị giám sát hành trình đem dấu trên nóc nhà nhằm thực hiện hành vi khai thác bất hợp pháp. Qua làm việc với cơ quan chức năng, ông Đường Minh Trị (là chủ tàu) thừa nhận có giữ tại nhà 1 thiết bị VMS và 1 thiết bị VMS khác (tàu cũng của ông Đường đã bán, chưa sang tên) gửi nhà mẹ ông là bà Phạm Thị Lầu.
Cẩn trọng, nhưng kiên quyết với hành vi ngoan cố
Qua rà soát của cơ quan chức năng, phát hiện hai tàu cá CM-91955-TS và KG-90819-TS kể trên từng tháo thiết bị giám sát hành trình trong vụ việc 10 thiết bị giám sát hành trình tàu cá tháo gởi qua tàu cá khác vào ngày 15/3/2023 (báo Kinh tế và Đô thị từng phản ánh) đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Hai tàu đã bị xử phạt 136.750.000 đồng với nhiều vi phạm, trong đó có hành vi tháo, gửi, không duy trì hoạt động thiết bị VMS. Có thể thấy, sai phạm mới đây là hành vi ngoan cố chống đối với qui định của pháp luật.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, rà soát, tham chiếu với quy định của pháp luật, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở NN&PTNN đánh giá vụ việc trên có hành vi “Tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên.” Đây là hành vi có dấu hiệu của tội phạm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 2015 và khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 6 năm 2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Vụ việc có liên quan đến nhiều đối tượng cần phải phản ứng nhanh. Tổ xử lý vi phạm hành chính về IUU yêu cầu Chi cục Kiểm ngư lập thủ tục chuyển ngay vụ việc nêu trên cho cơ quan Công an theo quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ.
Không nhân nhượng trong chống vi phạm IUU
Theo ông Nguyễn Văn Đen, tỉnh Cà Mau đã lập đường dây nóng ở tất cả các xã phường để tiếp nhận phản ánh về khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt. Tàu cá không đăng kiểm, đăng ký sẽ không được hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là hành động cương quyết của tỉnh này nhằm chống vi phạm IUU.
Ông Lê Hoàng Vũ Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 4.083 phương tiện đăng ký, với tổng công suất 628.179 KW. Tỉnh tập trung quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, toàn tỉnh có 1.529/1.530 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,9% (đã trừ những tàu ngưng hoạt động).
Mặt khác, tỉnh tập trung xác định, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý và kiểm tra. Toàn tỉnh hiện có 10 Trạm kiểm soát biên phòng, 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng, đảm bảo 100% tàu cá xuất, nhập bến đều được theo dõi, giám sát 24/7.
Ông Phan Hoàng Vũ còn cho biết, tỉnh đang triển khai đăng ký, công bố danh sách, niêm yết tại các địa phương về việc đăng ký đăng kiểm quản lý các tàu cá thuộc diện “3 không.” “Đến ngày 31/12/2024, nếu các chủ tàu không thực hiện đăng kiểm thì tuyệt đối không được phép hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào” – ông Vũ nhấn mạnh.