Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: kinh tế tập thể mang nhiều lợi ích cho người dân

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều năm qua, mô hình và hướng đi của kinh tế tập thể ở Cà Mau đã chứng minh được tính đúng đắn khi lợi ích của người dân ngày càng tăng. Để hiệu quả của mô hình kinh tế này được phát huy tối đa, địa phương đã có kế hoạch phát triển cụ thể hóa.

Mô hình tôm - lúa ở xã trí Lực huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam)
Mô hình tôm - lúa ở xã trí Lực huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam)

Thành công từ việc đổi mới mô hình kinh tế tập thể

Những năm bao cấp, nhắc đến kinh tế tập thể (KTTT) người dân vùng Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) đều cảm thấy bất an lo lắng khi tính hiệu quả không cao. Thậm chí, mô hình này đôi khi còn là “ám ảnh” cua nhiều xã viên.

Nhưng nay đã hoàn toàn khác, với những lợi thế và cơ hội thuận lợi có được, KTTT đã tạo ra các hợp tác xã (HTX) có khả năng tham gia thị trường tốt, có năng lực cạnh tranh và thích nghi cao. Kết quả từ Đề án phát triển KTTT được UBND tỉnh Cà Mau ban hành tại quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 cho thấy, KTTT còn mang lại nhiều kết quả quan trọng, đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp tỉnh Cà Mau trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mô hình lúa - tôm hữu cơ ở xã Trí Lực huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam)
Mô hình lúa - tôm hữu cơ ở xã Trí Lực huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam)

HTX nông nghiệp Trí Lực ở ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình vừa tổ chức hội nghị thành lập ngày 28/12/2024 là một ví dụ thành công của mô hình KTTT của Cà Mau. HTX hiện có hơn 539 thành viên, cùng nhau tham gia với nhiều sản phẩm dịch vụ như: sản xuất, kinh doanh dịch vụ liên kết tiêu thụ nông sản (lúa, tôm, cua, cá...); dịch vụ liên kết mua chung vật tư sản xuất; dịch vụ liên kết tổ chức sản xuất; dịch vụ liên kết cung cấp giống. HTX còn tham gia vào cả lĩnh vực phi nông nghiệp như dịch vụ du lịch học đường, cộng đồng và dịch vụ đời sống (bán gạo ăn).

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, không riêng HTX nông nghiệp Trí Lực, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các HTX khác có cơ hội thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tuy vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng, KTTT trên địa bàn Cà Mau vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh vốn có. Đặc biệt, trên lĩnh vực nông nghiệp KTTT vẫn chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí chủ lực của mình trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể, quy mô các HTX vẫn hạn chế về quy mô, chất lượng, khả năng tài chính, công nghệ, kỹ thuật, năng lực cạnh tranh còn thấp.

Đa phần hoạt động của HTX còn manh mún, nhỏ lẻ, ít sản phẩm. Chưa kể  chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, không tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất. Hiện chỉ có khoảng 24% HTX xuất được hóa đơn VAT khấu trừ (VAT cho doanh nghiệp) và 16,2% thuế VAT trực tiếp, còn lại đến 59,7% HTX không xuất hóa đơn VAT. 

Ðể thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) phát triển nhanh, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2406/QÐ-UBND ban hành Ðề án Phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030. Đề án kỳ vọng sẽ mở ra vận hội mới cho KTTT của địa phương này sẽ đột phá trong thời gian tới.

Mô hình HTX thành công ở huyện Thới Bình đã nâng cao thương hiệu con tôm - cây lúa của địa phương (Hoàng Nam)
Mô hình HTX thành công ở huyện Thới Bình đã nâng cao thương hiệu con tôm - cây lúa của địa phương (Hoàng Nam)

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm phát triển KTTT của Cà Mau gắn với thị trường, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP... một cách hiệu quả và bền vững. Theo đó, đến năm 2030, Cà Mau sẽ xây dựng 5 mô hình HTX lớn có từ 500 thành viên; 27 mô hình HTX trung bình có  từ 100-500 thành viên (mỗi huyện 3 HTX). Tăng số lượng bình quân thành viên mỗi HTX toàn tỉnh đạt 30 thành viên năm 2025, đạt 50 thành viên vào năm 2027 và 70 thành viên vào năm 2030.

Ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND khẳng định: “Trong xu thế hiện nay, phương thức làm ăn nhỏ lẻ không còn phù hợp, phải chuyển đổi sang mô hình hợp tác, mà nòng cốt là HTX.”