Ngày 1/8, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các công tác cơ bản chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới cơ bản đã hoàn tất. Trong đó, khó khăn về cơ sở vật chất đã cơ bản được giải quuyết.
Hơn 114,5 tỷ đồng cho năm học mới
Theo ông Nguyễn Thanh Luận, toàn tỉnh Cà Mau có tổng số 501 trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, cấp mầm non có 133 trường, cấp tiểu học có 219 trường, cấp THCS có 114 trường và cấp THPT có 33 trường, với 6.743 phòng học (4.492 phòng học kiên cố). Tuy nhiên, hiện còn 176 phòng học phải mượn, nhờ, trong đó cấp mầm non nhiều nhất với 139 phòng học.
Công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới, nhất là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở năm học 2023-2024 đã được ngành chỉ đạo các cấp thực hiện ngay từ sớm.
Cụ thể, nhằm chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón năm học mới, Sở đã dành kinh phí trên 19 tỷ đồng để chuẩn bị cơ sở vật chất, sữa chữa trường lớp 21 đơn vị, trường học trực thuộc Sở GD&ÐT. Riêng đối với các đơn vị, trường học trực thuộc huyện - thành phố, việc sửa chữa trường, lớp, với kinh phí 95,5 tỷ đồng cũng đang được tiến hành.
Theo kế hoach, công tác sửa chữa bổ sung với nguồn kinh phí hơn 114,5 tỷ đồng đang được thúc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 31/8, kịp lễ khai giảng năm học mới.
Ngay khi bước vào nghỉ hè, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, trường học tăng cường công tác quản lý cơ sở vật chất, thiết bị, các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, sinh hoạt để sử dụng được lâu dài. Đồng thời, chủ động rà soát, lập kế hoạch mua sắm, bổ sung các trang thiết bị cần thiết để phục vụ tốt công tác giảng dạy, học tập trong năm học mới.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị trường học có kế hoạch cụ thể trong quản lý đất công đúng quy định để từng bước chỉnh trang, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Về trang thiết bị, Sở GD&ÐT đang tham mưu UBND tỉnh triển khai mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2023, thuộc Ðề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025, đã được phê duyệt.
Điển hình, tại trường THPT U Minh, thuộc huyện U Minh, đây là điểm đang được xây dựng mới, hướng tới đạt chuẩn quốc gia, được đầu tư hơn 44 tỷ đồng, hiện đã hoàn thiện xây mới phần khung 14 phòng học, 9 phòng học bộ môn, nhà xe, cùng nhiều hạng mục sửa chữa cải tạo, nâng cấp một số khu vực phòng học, phòng hành chính… Công tác mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học năm học mới như Chương trình dân tộc thiểu số, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 4, 8, 11... cũng đã được thực hiện song song.
Còn tại trường THPT Đầm Dơi (thuộc huyện Đầm Dơi) các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới được nhà trường chuẩn bị từ sớm, sẵn sàng đón học sinh tựu trường năm học mới.
Tại TP Cà Mau, trường THCS Ngô Quyền ở phường 1 (trực thuộc TP Cà Mau) được xây dựng cơ bản vào năm học 2022-2023 với kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Ngay trong các tháng hè này, những hạng mục bổ sung như mái che, nhà vệ sinh cũng đã được thi công hoàn thành sớm.
“Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác cơ sở vật chất, trường lớp, dụng cụ học tập, thiết bị trình chiếu,… nhà trường đã chuẩn bị hoàn tất. Sẵn sàng nhận đón 600 em học sinh (trong đó có 210 học sinh lớp 6) trong năm học mới” – thầy Phan Thế Điệp, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền cho biết.
“Hiện nhà trường có 17 phòng học được trang bị mô hình dạy học trình chiếu tivi, được trang bị máy tính kết nối sẵn trên lớp học cùng hệ thống internet. Giáo viên khi lên lớp chỉ cần gửi bài dạy qua địa chỉ mail chung của trường, khi lên lớp mở bài lên dạy nên sẽ không cần mang theo máy tính và bị mất nhiều thời gian để kết nối. Trong các phòng học và trên khắp sân trường đều được lắp đặt 40 camera quan sát nên thuận tiện cho nhà trường trong việc quản lý nền nếp giảng dạy, học tập trên lớp và mọi hoạt động của học sinh” thầy Phan Thế Điệp nói thêm.
Sẵn sàng xử lý các“vấn đề nóng”
Theo ông Nguyễn Thanh Luận, năm học 2023-2024 sẽ có nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, đó là: xác minh nơi cu trú, chống lạm thu đầu năm học mới, tuyển sinh và học sinh bỏ học.
Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, phụ huynh đang rất quan tâm lo lắng việc xác minh nơi cư trú, nơi thường trú của học sinh nhằm bảo đảm tiếp nhận đúng đối tượng học sinh, tránh tình trạng quá tải ở một số trường.
“Sở GD&ÐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện theo hướng dẫn 7 phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của Bộ Công an. Cụ thể là, xác minh thông tin qua tài khoản VNeID định danh điện tử mức độ 2, tra cứu mã định danh của học sinh trên trang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - ông Nguyễn Thanh Luận cho biết.
Ngoài ra, để thuận lợi cho phụ huynh, học sinh đăng ký tuyển sinh đầu cấp cho năm học tới, Sở GD&ÐT đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư phần mềm tuyển sinh đầu cấp, có tích hợp cơ sở dữ liệu ngành và dữ liệu dân cư quốc gia, điều này sẽ giải quyết được bất cập nêu trên.
Đối với vấn đề chống lạm thu đầu năm, Sở GD&ÐT yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo. Ðồng thời, tuỳ vào nhu cầu thực tiễn đặt ra, Sở sẽ có những chỉ đạo cụ thể. Về học phí, Sở GD&ÐT sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HÐND tỉnh ban hành nghị quyết về mức thu học phí năm học 2023-2024 khi Chính phủ có chỉ đạo mới.
Một vấn đề khác cũng đang được dư luận quan tâm, đó là nguy cơ tái diễn tình trạng học sinh vùng sâu, xa, biển đảo, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bỏ học. Theo đó, Sở GD&ÐT đã ban hành văn bản rà soát để chủ động tìm các giải pháp vận động học sinh bỏ học trở lại trường trong năm học 2023-2024, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Ðồng thời, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Một trong những giải pháp căn cơ nhất là thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng theo quy định; kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm.
Mới đây, ngày 17/5, Sở GD&ÐT ban hành Kế hoạch số 1566/KH-SGDÐT về tổ chức hoạt động hè năm 2023. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện tốt phong trào tiếp sức đến trường với nhiều nội dung: tổ chức các hoạt động đưa trẻ đến trường nhân ngày khai giảng năm học mới; giúp đỡ trẻ em có nguy cơ bỏ học được trở lại trường tham gia học tập.
Mặt khác, đã đẩy mạnh phong trào tình nguyện vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, như vận động thanh thiếu nhi ở những vùng có điều kiện thuận lợi thăm, tặng quà, quyên góp quần áo, sách giáo khoa cũ, tập, dụng cụ học tập tặng bạn nghèo, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động vận động trao học bổng, sách giáo khoa cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi, ưu tiên cho học sinh khối lớp 1, 2, 6, 7 và 10.
“Tính đến ngày 25/7, Cà Mau đã nhận được tài trợ 42 ngàn bản sách giáo khoa, trị giá 740 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều năm nay với phương châm không để không học sinh nào không thể đến trường, sở đã chú trọng công tác chăm lo thiết thực cho các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuẩn bị vào năm học mới, không để học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà không được đến trường” – ông Nguyễn Thanh Luận nói thêm.