Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau sẵn sàng kịch bản hộ đê mùa mưa bão 2024

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cà Mau có 254km chiều dài bờ biển, nhưng có đến 91 km bị sạt lở. Trong đó, bờ biển phía Tây có đến 22 km đang ở mức độ nguy hiểm. Vì vậy, mùa mưa bão hàng năm là những lúc hàng ngàn hộ dân ven biển lại lo lắng không yên.

Cà Mau chủ động bảo vệ đê biển theo phương châm 4 tại chỗ (Hoàng Nam)
Cà Mau chủ động bảo vệ đê biển theo phương châm 4 tại chỗ (Hoàng Nam)

Những năm gần đây, trước biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nhiều đoạn đê biển xung yếu của Cà Mau đã bị sóng biển đánh vỡ cả chân đê. Có năm, nước biển dâng cao hơn 20 cm tràn qua đê, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân.

Lực lượng hộ đê đang ứng cứu bảo vệ một đoạn đê biển Tây ở Cà Mau bị sóng đánh lở năm 2022 (Hoàng Nam)
Lực lượng hộ đê đang ứng cứu bảo vệ một đoạn đê biển Tây ở Cà Mau bị sóng đánh lở năm 2022 (Hoàng Nam)

Với phương châm 4 tại chỗ, tỉnh Cà Mau vừa yêu cầu các địa phương cùng ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu, không để xảy ra vỡ đê trong mùa mưa bão năm nay.

Phương châm 4 tại chỗ

Nhằm chủ động ứng phó diễn biến bất thường của mùa mưa bão 2024, UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quyết định số 1624/QÐ-UBND, yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện phương án hộ đê, phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. Đó là, Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Cà Mau có trách nhiệm phân công trực tiếp cán bộ theo dõi cấp bão, đường đi và mức độ ảnh hưởng của bão 24/24 giờ từ các bản tin dự báo. Hạt Quản lý đê điều phân công nhân viên quản lý đê cùng các lực lượng có liên quan trực trên toàn tuyến đê biển Tây.

Đối với các vị trí trọng điểm, xung yếu…, trước 12 giờ khi có áp thấp nhiệt đới, bão... đổ bộ, Hạt Quản lý đê điều có trách nhiệm phối hợp chính quyền địa phương nơi có tuyến đê biển cắt cử lực lượng phối hợp tuần tra.

Ứng cứu bảo vệ một đoạn đê ở huyện Trần Văn Thời (Hoàng Nam)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu và phòng, chống thiên tai năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí thực hiện xử lý cấp bách đê điều theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, phân cấp ngân sách và các quy định hiện hành.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau (cơ quan thường trực phòng thủ dân sự tỉnh) sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện phương án hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu ngoài hiện trường.

Chính quyền các địa phương trong tỉnh Cà Mau có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ, báo cáo kịp thời mọi diễn biến sự cố, thiên tai trên địa bàn; chủ động huy động mọi nguồn lực xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh, bảo đảm an toàn đê điều, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân…

Đồng bộ kỹ thuật, chú trọng các điểm xung yếu

Để bảo vệ vững chắc đê biển Tây không bị vỡ trong mùa mưa bão 2024, phương án hộ đê trên toàn tuyến là yêu cầu sử dụng nhiều giải pháp khác nhau (kè rọ đá; thả đá khan; dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE, bao tải đất...) để kịp thời hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu ven tuyến đê biển Tây khi có áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh… đổ bộ trực tiếp.

Các giải pháp kỹ thuật đang được Cà Mau triển khai tại đoạn đê biển địa phận huyện U Minh (Hoàng Nam)

Đối với các vị trí xảy ra sự cố ngoài các trọng điểm, xung yếu đề nghị cấp trên điều động lực lượng gần nhất túc trực gần nhất đến hỗ trợ. Trường hợp sự cố xảy ra tại vị trí các tuyến đê chưa được đầu tư nâng cấp, mặt đê chưa được bê tông hóa, thì xử lý bằng phương án dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE và bao tải đất; trường hợp sự cố xảy ra tại vị trí các tuyến đê đã được đầu tư nâng cấp, mặt đê được bê tông hóa, có thể vận chuyển rọ đá, đá hộc, cừ tràm… thì xử lý bằng phương án kè rọ đá hoặc thả đá khan.

Lưu ý, tại đoạn đê biển từ bờ bắc Sào Lưới-Ðá Bạc (huyện Trần Văn Thời) có 1 vị trí trọng điểm dài 350m. Tùy tình hình thực tế và diễn biến tại khu vực sạt lở, có 3 phương án xử lý, hộ đê tại đoạn đê biển này. Cụ thể, nếu vị trí sạt lở có mặt cắt lớn, nước nông thì chọn phương án kè rọ đá. Vị trí sạt lở có mặt cắt lớn, nước sâu thì chọn phương án thả đá khan. Mặt cắt sạt lở nhỏ, nước sâu thì chọn phương án dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE và bao tải đất.

Đối với các vị trí xung yếu còn lại, như đoạn tràn trên mặt đê (huyện U Minh 1.000m, huyện Trần Văn Thời 2.000m); đoạn đê đất từ Sông Ðốc-Mỹ Bình (dài 5.000m)…, phương án là dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt đê, sát mái đê ra phía biển. Theo đó, phương án bảo vệ vị trí trọng điểm, đoạn đê biển từ bờ Bắc Sào Lưới - Đá Bạc có 01 vị trí trọng điểm, chiều dài 350m. Đối với trọng điểm trên có 03 phương án xử lý: Phương án kè rọ đá; phương án thả đá khan; phương án dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE và bao tải đất.

“Diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là vào những mùa mưa bão những năm gần đây đã làm hư hại rất nhiều đoạn đê biển của tỉnh. Vì vậy, các ngành các cấp của Cà Mau đều luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó hộ đê, không để xảy ra bất ngờ, nhằm bảo vệ tốt nhất đến tính mạng và tài sản của người dân địa phương” – ông Lê Văn Sử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói.