Ngày 27/10, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ông Huỳnh Quốc Việt Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở tuyến đường ô tô từ Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi).
Nguy cơ 1.000m đường xuống sông, 4.300 hộ dân bị ảnh hưởng
Những ngày qua, tuyến đường ô tô từ Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân xảy ra sạt lở nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nhiều đoạn đường sạt lở xuống sông, gây rất nhiều khó khăn cho người dân lưu thông. Hiện tại, sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 3 hộ dân cùng 11,4 ha nuôi trồng thủy sản của người dân.
Tuyến đường trên hiện có nguy cơ sạt lở thêm ba đoạn với tổng chiều dài ước tính 1km. Số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp trong sản xuất, sinh hoạt gần 4.300 hộ; trong đó địa bàn xã Nguyễn Huân nhiều nhất với 4.083 hộ bị ảnh hưởng; một phần ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến có 214 hộ bị ảnh hưởng.
Song song với việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, tỉnh Cà Mau cũng tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó nhanh, kịp thời ngăn chặn và khắc phục sạt lở, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, UBND huyện Đầm Dơi phải bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh, nguy hiểm hơn. Mặt khác, triển khai các biện pháp cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, phải tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư công trình, dự án phòng, chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị UBND huyện Đầm Dơi tạm thời gia cố bờ sông chống sạt lở và làm nền mặt đường tạm để đảm bảo thông tuyến để người dân lưu thông trong thời gian chờ triển khai thực hiện dự án đường tránh tại khu vực sạt lở này. Đồng thời khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường tránh tại vị trí sạt lở để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong tháng 11 tới. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND huyện Đầm Dơi khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn và hỗ trợ chuyên môn trong gia cố bờ sông, đề xuất biện pháp ứng phó, khắc phục; Sở Giao thông Vận tải phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Đầm Dơi về chuyên môn khẩn trương xây dựng nền mặt đường tạm tại vị trí sạt lở.
Sạt lở, vấn đề báo động từ lâu ở Cà Mau
Nhiều năm nay, tình hình sạt lở sông biển ở Cà Mau liên tục diễn ra với tần suất đáng báo động. Ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm ngàn người dân địa phương, chưa kể thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Cách đây hơn 3 tháng, tuyến đường ô tô về trung tâm xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi bị sạt lở một đoạn dài khoảng 110m. Vị trí sạt lở cách UBND xã Tân Tiến khoảng 1,5km. Sạt lở khiến nền và mặt đường trôi xuống sông, các phương tiện đường bộ không thể đi qua. Sau sự cố, địa phương đã bố trí phà tạm đưa, rước xe mô tô, đồng thời khẩn trương khắc phục đổ đá cấp phối, nắn chỉnh tuyến đường tạm vào bên trong để các phượng tiện lưu thông.
Không riêng huyện Đầm Dơi, tình hình sạt lở sông ngòi ở Cà Mau hiện đang ở mức báo động, khi tình hình sạt lở đang diễn ra ở hầu hết các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã có 231 vị trí ven sông bị sạt lở với tổng chiều dài 5.971m.
Tháng 8/2023, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã công bố tình huống khẩn cấp đối với tình trạng sạt lở ven biển, khi nhiều điểm trên tuyến đê biển tỉnh này đang đứng trước nguy cơ bị nước biển cuốn trôi.
Nhằm đối phó thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong điều kiện tác động biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sạt lở bờ biển và ven sông là hệ quả của nhiều tác động khác nhau, từ yếu tố địa chất-địa mạo, thủy văn, khí hậu, biến đổi khí hậu, mà cụ thể nhất là mực nước biển dâng và gia tăng biên độ nhiệt theo ngày đêm, cùng với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang tác động lên môi trường tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho đến các yếu tố tác động từ con người. Nhất là tình trạng thiếu quy hoạch bền vững trong khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm, cùng với sự hạn chế trong quản lý suốt thời gian dài đã tạo ra những tác động địa chất cực đoan (sụt lún nền đất, hình thành các hố sâu dưới đáy sông, thay đổi chế độ dòng chảy…)
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng: “Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong thời gian tới, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và ngày một nghiêm trọng hơn.”