Cả nước mới có 46 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/12, Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn “Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao. Cùng với đó, tác động của đô thị hoá, biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. 
Giải bài toán cho các vấn đề này, theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là hướng đi cho nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đến nay, cả nước mới chỉ có 46 doanh nghiệp được các cơ quan có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. 
Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam còn rất hạn chế
Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nông hộ tiếp cận với công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều đột phá về cho vay tín dụng đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Mặc dù vậy, tại diễn đàn, một loạt khó khăn đã được các tổ chức, doanh nghiệp nêu ra, là rào cản cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. 6 nhóm vấn đề khó khăn chính được đề cập là: Cơ chế chính sách, nguồn vốn, nhân lực, khoa học - công nghệ, quy hoạch đất đai và thị trường tiêu thụ. Trong đó, nguồn vốn được xem là rào cản lớn hơn cả.
Liên quan đến ý kiến một số doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiện còn khó khăn, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP hiện đã đạt gần 2,17 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% dự nợ toàn ngành kinh tế. Trong đó, riêng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là 67.500 tỷ đồng (thực hiện theo Nghị quyết số 30/NĐ-CP của Chính phủ). 
Theo bà Hà Thu Giang, trên thực tế, ngay cả việc cho vay của các tổ chức tín dụng hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có suất đầu tư lớn, tuy nhiên, số lượng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp công nghệ cao chưa nhiều, chưa có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao bài bản, hiệu quả. Một số doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng chưa chứng minh được tính khả thi, chưa đáp ứng được các tiêu chí về phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Tại diễn đàn Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chuyên gia, các diễn giả, học giả cùng với doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đề xuất nhiều giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn vay, hỗ trợ khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần