Lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng diễn ra từ 12 giờ 30 đến 13 giờ 45 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thanh Tông. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân của nhạc sĩ Hồng Đăng đã đến sớm để tiễn đưa ông.
Trong hơn 1 giờ diễn ra lễ đưa tang, âm nhạc của ca sĩ Hồng Đăng, với những ca khúc như: "Hoa Sữa", "Biển hát chiều nay" được cất lên để bạn bè, thân hữu thương mến tiễn đưa nhạc sĩ Hồng Đăng.
Trong buổi lễ, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi đệm nhiều bản piano bài hát quen thuộc của Hồng Đăng. Lễ đưa tang kết thúc trong giai điệu dịu êm của ca khúc "Hoa sữa" qua tiếng hát của ca sĩ Mỹ Linh: "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào em lại quên anh/ Có lẽ nào anh lại quên em".
Bà Anh Thúy - vợ nhạc sĩ xúc động khi nghe lại ca khúc. “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng không đơn thuần là một ca khúc, mà còn như một sứ giả văn hóa, để mỗi khi ai đó nhắc đến Hà Nội lại nhớ những ca từ: "Tiếng hát ai xao động/ Thoáng mùi hoa êm đềm".
Trong điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngoài khẳng định sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ của tác giả “Hoa sữa” với tư cách một người sáng tác còn đặc biệt nhấn mạnh những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam mà nhạc sĩ Hồng Đăng trong vai trò một lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất được lòng anh em.
Bên linh cữu, gia đình đặt một số bức ảnh của ông thời trẻ. Trong một tấm hình chụp khi nhạc sĩ chưa gặp tai nạn, vẫn có thể đi lại được, ông chở vợ đi giữa những hàng cây ở Hà Nội.
Sau khi gặp tai nạn, ông phải ngồi xe lăn, bà Thúy lại là người đưa đón chồng. Bạn bè thường bắt gặp hình ảnh nhạc sĩ ngồi sau xe vợ đi cà phê, gặp gỡ bạn bè, xem triển lãm, ca nhạc. Có lần, vừa đèo chồng, bà nghêu ngao hát "Em vẫn từng đèo anh/ Trên những chặng đường quen", biến tấu từ lời bài hát Hoa sữa: "Em vẫn từng đợi anh/ Trên những chặng đường quen" khiến ông phì cười.
Tại lễ tang, bà Anh Thúy nghẹn ngào nói lời tiễn biệt chồng: "Vẫn biết việc chia tay chỉ là sớm muộn nhưng em và các con, cháu vẫn đau đớn, xót xa. Cả một đời gian truân, vất vả nhưng anh đã sống đúng như ba - cụ Phan Đăng Tài - người luôn tâm niệm: ‘Thế gian vạn sự giai bào ảnh. Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình’ (Mọi sự trên thế gian đều là hư ảo, điều lưu lại muôn kiếp là cái tình). Anh, người đàn ông nhân hậu, bao dung và chân tình. Em và các con, cháu hạnh phúc khi được làm vợ, con, cháu anh. Suốt đời anh, một nghệ sĩ chân chính, danh lợi, chức tước, vật chất chỉ là phù du.
“Với anh, được sống, được làm việc, được yêu thương, được nếm trải buồn, vui, cay đắng, đã là hạnh phúc. Những tác phẩm của anh ra đời được giới nghệ sĩ, công chúng đón nhận. Và âm nhạc là con người anh, hồn hậu, tinh tế và trong sáng, hiện rõ trong từng giai điệu, sự chiêm nghiệm từ những lênh đênh, cay đắng, vấp ngã, chia ly, đã cho mỗi lời ca thấm đẫm triết lý cuộc đời, để khi hát lên ai cũng thấy mình trong mỗi câu chữ. Đấy cũng là hạnh phúc. Cả một đời miệt mài lao động với kho tàng tác phẩm như vậy, cũng là hạnh phúc" – Bà Anh Thuý xúc động chia sẻ.
Với bông cúc vàng do gia đình chu đáo chuẩn bị trên tay, trong những giai điệu thân quen, say đắm của “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”… người thân, bạn bè, người hâm mộ lặng lẽ vào tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng vừa nhẹ bước “chuyển cõi”.
Tại buổi lễ, nhiều bạn bè ông chia sẻ điều tiếc nuối vì nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong 5 nhạc sĩ đợt năm 2021 được Hội đồng cơ sở, chuyên ngành cho đến Hội đồng T.Ư xét giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu đồng thuận đề nghị Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhạc sĩ Hồng Đăng. Ông chưa kịp nhận niềm vui, vinh dự của Đảng và Nhà nước trao tặng cho sự nghiệp âm nhạc của mình thì đã ra đi mãi mãi.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 ở Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những năm 1950, khi còn là học sinh, ông đã sáng tác các ca khúc Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh... Ông là một trong những sinh viên đầu tiên của khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Nhạc sĩ Hồng Đăng - một trong những đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam. Nhiều năm qua, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng có phần suy yếu do ông mắc một số bệnh tuổi già. Ông đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: Ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu.
Trong đó, ông đã sáng tác nhạc được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: “Hoa sữa” (Hà Nội mùa chim làm tổ), “Lênh đênh” (Đời hát rong), “Biển hát chiều nay” (nhiều phim về đề tài biển), “Nỗi nhớ đêm đại dương” (Những hạt muối của biển), “Biển và cô gái tôi chưa quen” (Những ngôi sao nhỏ), “Không gian xanh” (Vùng trời).
Ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, Ủy viên BCH Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế. Ông được trao giải thưởng Nhà nước năm 2001, Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2021.