Cả thế kỷ mạng lưới đường sắt "vẫn vậy"

Chia sẻ Zalo

Sau hơn 100 năm xây dựng, mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện nay không có nhiều đổi khác so với khi mới hình thành, với kết cấu hạ tầng cũng như hệ thống thông tin nhìn chung lạc hậu, tải trọng cầu cống thấp, sức kéo đầu máy nhỏ.

Báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy: Ở phía Bắc, mạng đường sắt hiện có 3 tuyến gồm Lào Cai-Hà Nội, Đồng Đăng-Hà Nội và Hải Phòng-Hà Nội khai thác có hiệu quả. Ngoài ra còn có các tuyến Kép-Hạ Long, Đông Anh-Quán Triều, Kép-Lưu Xá đều khai thác kém hiệu quả. Ở phía Nam, tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho và tuyến Sài Gòn-Lộc Ninh không được khôi phục sau năm 1975. Tuyến Tháp Chàm-Đà Lạt 84km hiện chỉ khai thác đoạn Đà Lạt-Trại Mát dài 7km. Trong khi đó 2 khu vực chiến lược khá quan trọng là ĐBSCL và Tây Nguyên chưa có đường sắt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam: Đường sắt Việt Nam hiện tại chưa có đường đôi, chủ yếu là đường đơn khổ 1.000mm (hơn 85%), lại hạn chế cả về bình diện trắc dọc và kết cấu tầng trên nên năng lực thông qua và năng lực chuyên chở thấp khi chưa có tuyến nào vượt quá 25 đôi tàu/ngày đêm.

Trong khi đó, đối với các nước tiên tiến năng lực thông qua trên đường đơn có thể đạt tới 40-45 đôi tàu/ngày đêm và đường đôi là 200-240 đôi tàu/ngày đêm.

Nhằm phát triển và đẩy mạnh thị phần vận chuyển ngành đường sắt, thời gian tới tuyến đường sắt Hà Nội- TP.HCM dài khoảng 1.726km sẽ từng bước được hiện đại hóa để đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80-90km/giờ đối với tàu khách và 50-60km/giờ đối với tàu hàng.

Đến năm 2020, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam sẽ được nghiên cứu phương án xây dựng đường đôi khổ 1.435mm, trong đó ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như các đoạn Hà Nội-Vinh và  TP. HCM-Nha Trang.

Sau năm 2020, ngành đường sắt triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 đến dưới 200km/giờ), đường đôi khổ 1.435mm; xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch...

Để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là huy động tối đa, có hiệu quả mọi nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước nhằm đầu tư, từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; nâng cao tỷ lệ vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt tương xứng với các lĩnh vực giao thông vận tải khác.