"Mục đích của CVĐ chính là phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt; để hàng sản xuất trong nước ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời đảm bảo năng lực xuất khẩu. Muốn vậy, trước hết DN phải tôn trọng NTD, chứng minh được sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu chất lượng quốc tế thì NTD mới yên tâm. Ngược lại, NTD cũng phải hiểu, để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế, cần cả một quá trình. Tức là để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt, luôn cần có mối quan hệ hai chiều: Sự chia sẻ ủng hộ của NTD với nhà sản xuất, và nhà sản xuất phải nỗ lực để không phụ lòng mong mỏi của NTD". - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải |
Tuy nhiên,"vẫn còn không ít rào cản khiến hàng Việt chưa chiếm được lòng tin trọn vẹn nơi người tiêu dùng (NTD), mà để có được điều này, cần sự vào cuộc của cả xã hội chứ không chỉ là vai trò của NTD", Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày 14/12 tại Hà Nội.
Tâm lý sính ngoại còn nặng nề
Kết quả đáng ghi nhận nhất là 71% NTD Việt Nam hiện đã tin tưởng vào hàng Việt chất lượng cao (theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng - FTA). Trong khi trước đó, theo điều tra của Tập đoàn Grey (Mỹ), tới 77% NTD ưa chuộng thương hiệu nước ngoài, tức là chỉ 23% tin dùng sản phẩm trong nước. Theo Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng, tới 90% NTD tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; tại Hà Nội là 83%, trong đó 38% NTD khuyên người thân dùng hàng Việt… Mọi tầng lớp xã hội bắt đầu có ý thức chuyển đổi hành vi trong ưu tiên dùng hàng trong nước, đồng thời phê phán hành vi sính hàng ngoại ngay trong cộng đồng mình. Bên cạnh đó, các tập đoàn, DN tích cực nhiều giải pháp hưởng ứng CVĐ. Trong hệ thống không ít siêu thị như Big C, Metro, hàng nội chiếm 80 - 90%, riêng hệ thống siêu thị Saigon Co.op có gần 95% là hàng sản xuất trong nước…
Các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực để ngày càng nhiều người dân tin dùng hàng Việt.Ảnh: Lê Nam
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho rằng, ngay trong đội ngũ lãnh đạo, đảng viên vẫn còn bộ phận chưa gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt và vận động người thân hưởng ứng để quần chúng noi theo. Tâm lý sính ngoại tồn tại chủ yếu ở người có thu nhập cao, thích hàng hiệu… Đại diện Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Vĩnh Phúc cũng phản ánh, tại đây chưa chuyển biến đáng kể trong thói quen dùng hàng Việt, kể cả lĩnh vực mua sắm công. Dẫn chứng là bàn ghế Xuân Hòa được sản xuất ở đó tương đối tốt nhưng đa số cơ quan công quyền vẫn dùng hàng Đài Loan, Trung Quốc.
Trong khi theo phản ánh của DN, một số cơ chế, thủ tục hành chính còn rườm rà làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt. Nhất là những chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối… vẫn chậm đi vào cuộc sống. Công tác quản lý thị trường, hải quan, thuế, đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo ATVSTP còn nhiều bất cập.
Ngược lại, NTD cho rằng, không ít DN chưa phát huy hết trách nhiệm để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng, giá cả đáp ứng nhu cầu thị trường. Thậm chí có DN còn tư tưởng "bao cấp", xin - cho, chưa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, làm ăn "chụp giật". "Một số hội chợ hàng Việt bày bán sản phẩm kém chất lượng, hàng khuyến mãi sắp hết hạn…, rất gây phản cảm về thương hiệu Việt trong lòng NTD", chị Hồ Thị Quý, Trưởng ban Kinh tế Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Vượt nhiều rào cản
Gia nhập thị trường phân phối chưa lâu nhưng thương hiệu Saigon Co.op nhanh chóng chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng trong nước với nguồn "cung" từ trên 600 nhà sản xuất. Ông Quách Cường, Giám đốc khu vực phía Bắc Saigon Co.op cho rằng, để hàng Việt đến được với người Việt đang phải vượt vô số rào cản, trước hết là lượng lớn hàng ngoại đang chi phối thị trường. Điều này đòi hỏi DN trong nước tìm hiểu kỹ càng đâu là lĩnh vực thị trường mục tiêu của mình. "Một khi DN có tư duy mới, áp dụng được công nghệ sản xuất mới để tạo ra sản phẩm, dịch vụ thực sự có lợi cho NTD, hàng hóa đáp ứng được tâm lý của số đông, ắt sẽ được ưa chuộng. Để giúp DN điều này, Nhà nước nên tạo thuận lợi cho một số DN phát huy vai trò tiên phong…", ông Cường chia sẻ.
Không chỉ hàng ngoại, mà theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội, một rào cản lớn là hàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch tràn vào rất tinh vi, nên Nhà nước cần tăng cường kiểm soát biên giới. Bên cạnh đó, nhanh chóng giảm thuế suất, thuế TNDN và thuế đất hiện đang gây rất nhiều khó khăn cho DN về chi phí để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Trong công tác tuyên truyền, vấn đề quảng cáo cần được quản lý chặt hơn để tránh những hiểu nhầm về chất lượng, giá bán.
Cũng về tuyên truyền, ông Võ Thành Đàn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi kiến nghị, cần có cơ chế hướng dẫn mạnh hơn để NTD vùng sâu, xa nắm được tính ưu việt của hàng nội so với hàng ngoại. Ngoài ra nên triển khai nhiều chương trình bình ổn giá chứ không chỉ làm trong dịp Tết Nguyên đán…
"Trong khi dệt may hay bóng đèn, hàng gia dụng made in Vietnam… được trên 90% người Việt tin dùng, tại sao chỉ có 58% NTD sử dụng hàng rau quả sản xuất trong nước? Điều này có đáng suy nghĩ khi Việt Nam có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời?". - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
|