Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các bãi thải lấn sông Đáy ở xã Yên Sơn được xử lý ra sao?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau phản ánh của Báo Kinh tế & Đô thị về việc phát hiện thêm nhiều bãi thải, công trình lấn sông Đáy, trên địa bàn xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, chính quyền địa phương đã lập tức vào cuộc để xử lý.

Nhà ở kiên cố của anh Hoàng Văn Tưởng được xây dựng trái phép trên bãi đất lấn sông Đáy.
Nhà ở kiên cố của anh Hoàng Văn Tưởng được xây dựng trái phép trên bãi đất lấn sông Đáy.

Chính quyền địa phương vào cuộc xử lý

Ngày 6/5 vừa qua, Báo Kinh tế & Đô thị đã có bài viết “Tiếp vụ bức tử sông Đáy: Phát hiện thêm nhiều bãi thải, công trình lấn sông”. Bài viết phản ánh về việc đứng trên cầu vượt sông Đáy nhìn ngược về phía đầu nguồn sông Đáy, cách cầu chỉ khoảng trăm mét có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều bãi thải tràn xuống dưới lòng sông Đáy.

Bên cạnh đó còn cả công trình xây dựng lợp tôn, khung thép, xây tường gạch được xây dựng trên bãi thải, đứng sừng sững trên địa phận dòng sông Đáy. Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, những bãi thải, công trình này nằm trong địa phận xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Yên Sơn, cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến các  bãi thải, công trình lấn sông.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của phóng viên, UBND xã Yên Sơn đã phối hợp với Hạt Quản lý đê điều số 13 tiến hành kiểm tra khu vực bãi sông  Đáy nơi có các bãi thải, công trình trên. Kết quả cho thấy có hai điểm đổ đất trái phép xuống chân sông Đáy. Trong đó, một điểm đã xây dựng công trình nhà ở bên trên.

Cụ thể, tại khu vực bãi sông tương ứng Km11+200 đê hữu Đáy, thuộc địa phận thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, hộ gia đình anh Hoàng Văn Tưởng có hành vi đổ chất thải (đất, trạc thải) xuống bãi sông, lòng sông Đáy đồng thời xây dựng công trình nhà ở kiên cố bên trên. Công trình này rộng 6m, dài 9,2m và cao 3,2m; móng đổ giằng, tường xây bằng gạch dày 10cm, mái lợp tôn, xà gồ bằng sắt. Tổng diện tích xây dựng là 55,2m2.

Cách đó không xa, Tổ công tác cũng phát hiện hai bãi đất được đổ trái phép xuống bãi sông. Đầu tiên là trường hợp của gia đình ông Hoàng Văn Hạnh có hành vi đổ đất ở bãi sông trước cửa nhà với kích thước 10x7,1x7,5m.

Tương tự, hộ gia đình ông Hoàng Quốc Phượng cũng có hành vi đổ đất trái phép xuống bãi sông trước cửa nhà với kích thước 10x6x7,5m. Tại thời điểm kiểm tra, trên cả hai bãi đất đổ trái phép này chưa có công trình xây dựng nào bên trên.

Làm việc với Tổ công tác,  ông Hoàng Quốc Phượng cho biết bãi đất đổ xuống bãi sông với mục đích trồng rau màu. Còn ông Hoàng Văn Hạnh cho hay đổ đất trên nền đất cũ. 

Cả 3 trường hợp vi phạm trên đều đã bị lập biên bản đê xử lý. Liên quan đến sự việc trên, Hạt Quản lý Đê điều số 13 yêu cầu UBND xã Yên Sơn quản lý chặt chẽ khu vực bãi sông, lòng sông Đáy, tránh phát sinh những vi phạm mới.

Các bãi thải lấn sông Đáy ở xã Yên Sơn được xử lý ra sao? - Ảnh 1

Bãi đất lấn sông Đáy của hộ gia đình ông Hoàng Văn Hạnh.

Xử lý nghiêm nhưng cần có lộ trình phù hợp

Trao đổi vơi phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Bá Lượng – Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết, đối với 3 trường hợp bãi đất và công trình mới phát hiện lấn sông Đáy, UBND xã sẽ phối hợp với đơn vị quản lý đê điều để xử lý.

Riêng trường hợp công trình nhà ở trái phép của hộ anh Hoàng Văn Tưởng, UBND xã đã lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ. “Hiện đã tháo dỡ được một phần nhưng do họ chưa tìm được chỗ ở nên chưa di chuyển được. Chúng tôi đang phối hợp với Hạt quản lý đê điều để tiến tới di chuyển hết công trình vi phạm đi nơi khác, không ảnh hưởng đến hành lang thoát nước của sông Đáy” – ông Lượng cho hay.

Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao một công trình xây dựng kiên cố rộng hơn 50m3 được xây dựng trái phép như vậy mà chính quyền xã không phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, ông Lượng cho rằng, công trình này nằm trong khu vực khuất, xen kẹt giữa khu dân cư nên khó phát hiện.

Chủ tịch UBND xã Yên Sơn nhấn mạnh, quan điểm là không bao che cho sai phạm mà sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý cũng cần được tiến hành theo từng bước phù hợp để không gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Ngoài 3 điểm vi phạm vừa được phát hiện thì tại khu vực bãi sông thuộc địa phận Đội 1, thôn Sơn Trung đang tồn tại rất nhiều công trình nhà ở ngay trên hành lang thoát lũ sông Đáy, thậm chí có công trình ở sát chân sông. Ông Lượng cho biết, những công trình này đều tồn tại từ rất lâu trước đó.

“Người ta an cư lập nghiệp từ thời phong kiến, trước cách mạng. Nguồn gốc của xóm này là làng chài, người dân làm nghề đánh bắt cá, sau đó  người ta lên bờ lập nghiệp và hình thành lên làng xóm như bây giờ” – ông Lượng nói.

Về hướng giải quyết đối với những công trình này, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết địa phương sẽ giữ nguyên hiện trạng như bây giờ. Còn sau này nếu Nhà nước có dự án nạo vét, kè sông Đáy thì địa phương sẽ phối hợp để xử lý.

 

Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai đề nghị UBND xã Yên Sơn tuyên truyền, vận động gia đình hộ ông Hoàng Quốc Phượng và Hoàng Văn Hạnh tự giác vận chuyển đất thải, hoàn trả mặt bằng hiện trạng như ban đầu, đảm bảo thoát lũ sông Đáy theo quy định.