Một trong những người bệnh Covid-19 đã hồi phục đầu tiên ở bang New York được sàng lọc hiến huyết tương. |
Các bác sĩ trên khắp thế giới đang đặt cược vào một phương pháp điều trị nhiễm trùng từng thành công trong lịch sử: Truyền huyết tương với các phân tử miễn dịch giúp người bệnh đánh bại virus.
Chưa có bằng chứng rằng liệu pháp này là hữu dụng với căn bệnh mới này, tuy nhiên nhiều người bệnh đã khỏi ở Houston và New York đã tình nguyện hiến máu, giúp nhiều bệnh viện và trung tâm máu tại Mỹ nay đã sẵn sàng nguồn lực để theo dõi khả năng cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân khác.
"Khi những căn bệnh lạ bùng phát và các nhà khoa học vẫn chưa thể điều chế được vaccine hoặc thuốc, đó là một biện pháp ngăn chặn mà chúng ta có thể áp dụng nhanh chóng", Tiến sĩ Jeffrey Henderson từ ĐH Y Washington cho biết.
Phương pháp sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh từng được sử dụng phổ biến nhất trong đại dịch cúm năm 1918, và cũng là phương pháp chống lại bệnh sởi, viêm phổi do vi khuẩn và nhiều bệnh nhiễm trùng khác trước khi y học hiện đại xuất hiện.
Khi nhiễm trùng tấn công, cơ thể bắt đầu tạo ra các protein gọi là kháng thể được thiết kế đặc biệt để nhắm vào mầm bệnh đó. Những kháng thể đó vẫn sẽ tồn tại trong máu của những người khỏi bệnh - cụ thể là huyết tương, phần chất lỏng màu vàng của máu - trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Theo bác sĩ David Reich, Chủ tịch bệnh viện Mount Sinai của New York, nói rằng: "Mọi người cảm thấy rất bất lực khi đối mặt với căn bệnh lạ này. Và đây là một điều mà chúng ta có thể làm để giúp đỡ đồng loại".
Đáng nói, ngay sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến khích các bệnh viện kêu gọi thu thập để sử dụng huyết tương, các gia đình đã dùng mạng xã hội, thay mặt những người thân bị bệnh và đã hồi phục, hỏi về cách mà họ có thể đóng góp. Theo ĐH bang Michigan, hơn 1.000 người đã đăng ký, trong khi hàng chục bệnh viện tại Mỹ đã thành lập nhóm chuyên trách thúc đẩy nghiên cứu và hiến huyết tương.
Các bác sĩ Trung Quốc tuần trước cũng đã báo cáo về 5 trường hợp Covid-19 đã cải thiện sau 1 tuần sau kể từ khi được truyền huyết tương. Tuy nhiên những người này cũng nhận được các liệu pháp khác, vì vậy chưa thể liệu phương pháp sử dụng máu người đã khỏi bệnh có phải là điều tạo ra sự khác biệt hay không.
Ở một cách tiếp cận huyết tương khác, một nhà sản xuất có trụ sở tại Tây Ban Nha, Grifols, đang tập trung các mẫu của người hiến tặng tại một nhà máy ở Bắc Carolina, Mỹ, để tạo ra một phiên bản liều cao để thử nghiệm.
Một số đội ngũ khác, bao gồm ĐH Thanh Hoa của Bắc Kinh, đang săn lùng loại kháng thể mạnh nhất ở người đã khỏi bệnh để sao chép trong phòng thí nghiệm và điều chế thành thuốc. Cách làm này cũng phù hợp với đánh giá của nhiều chuyên gia Mỹ.
"Không nên lấy huyết tương từ người có phản ứng miễn dịch bình thường. Điều đó sẽ không hữu ích", bác sĩ Julie Ledgerwood thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ lưu ý về việc chọn lựa mẫu hiến tặng để điều trị Covid-19.