Các bước rút tiền bằng thẻ căn cước công dân tại ATM

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết đã phối hợp với một số ngân hàng triển khai thí điểm dịch vụ rút tiền tại máy ATM bằng CCCD gắn chip.
So với các cây ATM truyền thống, cây ATM rút tiền bằng CCCD gắn chip có điểm khác biệt: Có máy đọc thẻ CCCD gắn chip và camera nhận diện khuôn mặt. Khách hàng thực hiện giao dịch bằng cách đặt mặt sau có gắn chip của thẻ CCCD lên máy đọc thẻ. Hệ thống ngay lập tức kiểm tra thông tin trên CCCD gắn chip. Việc xác nhận thông tin chính chủ sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức quét khuôn mặt và vân tay. Điều này hạn chế tối đa những nguy cơ giả mạo thẻ có thể xảy ra.
Cụ thể: Người dân chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và đến bất kỳ cây ATM của ngân hàng đang thí điểm thực hiện rút tiền mặt bằng CCCD gắn chip. Các bước để người dân có thể rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chíp như sau:
Bước 1: Người dân đưa thẻ CCCD gắn chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM bằng cách quay mặt sau (nơi có gắn chip) và để con chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM. Đồng thời, hướng mặt về phía camera của ATM để tự động nhận diện khuôn mặt.
Bước 2: Hệ thống sẽ tự động kiểm tra và đối chiếu thông tin trên CCCD gắn chip, và thông tin đã được lưu trữ tại hệ thống ngân hàng mà người dân không cần phải nhập mật khẩu.
Bước 3: Thay vì sử dụng mật khẩu là phương thức xác nhận thông tin duy nhất như hiện nay, với việc sử dụng CCCD gắn chip, cây ATM sẽ quét sinh trắc học của khách hàng và màn hình giao diện sẽ hiển thị các cách xác thực như: Xác thực gương mặt, vân tay… để nhận diện.
Bước 4: Sau khi xác nhận đúng là chủ thẻ, cây ATM sẽ “nhả” tiền, người dân sẽ rút được tiền.

Chị Thảo Nguyên (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho hay, thời gian xác thực thông tin khách hàng rất nhanh chóng, chỉ từ 6 - 8 giây với mỗi giao dịch. Chị Nguyên có vài thẻ ATM của một số ngân hàng, nay thay vì phải mang nhiều thẻ đi, chỉ cần dùng CCCD là có thể rút được tiền tại ATM của ngân hàng thí điểm.
Bộ Công an đánh giá việc ứng dụng CCCD cho các giao dịch ngân hàng tự động sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong các thủ tục hành chính, giảm thiểu nguy cơ giả mạo tài khoản, sai sót khi chuyển hay rút tiền mặt. Vì sau khi khách hàng quét thẻ CCCD tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên CCCD gắn chip, thay vì như trước đây, chỉ sử dụng duy nhất mật khẩu để xác nhận thông tin.
Ngoài ra, việc xác nhận thông tin chính chủ sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức quét khuôn mặt và vân tay. Điều này hạn chế tối đa những nguy cơ giả mạo thẻ có thể xảy ra.
Cũng theo C06, việc triển khai ứng dụng CCCD gắn chip thay thế thẻ ngân hàng đang được thực hiện thí điểm với một số ngân hàng lớn, và một số điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh.
Được biết Vietcombank, Vietinbank, BIDV là những ngân hàng đầu tiên phối hợp cùng Bộ Công an triển khai thành công việc ứng dụng CCCD gắn chip để rút tiền mặt tại ATM, giúp khách hàng có thêm trải nghiệm mới.
Vietinbank cho hay các khách hàng mới chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang CCCD có gắn chip, nhưng chưa cập nhật thông tin với ngân hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch rút tiền bình thường.
Dự kiến trong thời gian tới, hình thức rút tiền mặt này sẽ triển khai mở rộng trên toàn hệ thống ngân hàng.

Chia sẻ, cho thuê Căn cước công dân: Nguy cơ bị trục lợi
Kinhtedothi - Cơ quan công an khuyến cáo, người dân không nên đăng tải hình ảnh Căn cước công dân (CCCD) lên mạng xã hội, chia sẻ cho người khác biết nhằm tránh nguy cơ bị trục lợi.

Giới trẻ háo hức với các công nghệ thanh toán không tiền mặt hiện đại
Kinhtedothi - Ngày 16/4, “Sóng Festival” - sự kiện chính của “Ngày Thẻ Việt Nam lần 2” dành cho giới trẻ chính thức khai mạc tại Sân vận động Bách Khoa Hà Nội với sự tham gia của hơn 20 ngân hàng, tổ chức tài chính và gần 70 gian hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong nhiều ngành.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong cơ sở giáo dục, y tế
Kinhtedothi - Các tỉnh thành phố sẽ lên kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế, giáo dục địa phương.