Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các cấp Công đoàn Hà Nội thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền cho NLĐ

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong nhiệm kỳ 2018-2025, các cấp Công đoàn TP Hà Nội đã đẩy mạnh khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức công đoàn, hàng trăm doanh nghiệp đã trả nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền thu được là 115 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2018-2023, trong đó, với chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, doanh nghiệp. Các cấp công đoàn Thủ đô đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động (NLĐ). Đặc biệt đã tham mưu với Thành ủy, UBND TP ban hành các chính sách trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ người dân, công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Đồng thời, LĐLĐ TP đã thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại để lấy ý kiến của đoàn viên, NLĐ góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến điều kiện làm việc, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

LĐLĐ TP đã chủ động, tích cực đề xuất với cấp ủy, tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách, quy định thuộc ngành, địa phương và doanh nghiệp; tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng, Thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động... Qua đó khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong đại diện, bảo vệ đoàn viên và NLĐ.

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội tổ chức những chuyến xe siêu thị đoàn viên công đoàn nhằm mang đến sản phẩm chất lượng tốt với giá ưu đãi cho người lao động
Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội tổ chức những chuyến xe siêu thị đoàn viên công đoàn nhằm mang đến sản phẩm chất lượng tốt với giá ưu đãi cho người lao động

Bên cạnh đó, LĐLĐ TP đã chủ động ký kết chương trình phối hợp công tác với UBND TP và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố. Kết quả trong 5 năm qua, LĐLĐ TP và các công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Công đoàn tại 3.713 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm với số tiền 16,37 tỷ đồng; phối hợp thanh tra, kiểm tra về công tác An toàn vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ đó, góp phần làm tốt hơn công tác An toàn vệ sinh lao động và giảm thiểu tình hình tai nạn lao động. Qua kiểm tra, giám sát đã có hơn 12 nghìn kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với NLĐ, đồng thời có 250 đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.

Chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động. Trên cơ sở đó, phát huy dân chủ, nắm bắt tâm tư, tình cảm và kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp  ổn định và phát triển.

Hoạt động thương lượng, ký kết Thoả ước lao động tập thể được tập trung chú trọng, có nhiều đổi mới và phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt là Đề án thí điểm: “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp” đã góp phần phần tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng thoả ước lao động tập thể. Đã ký mới 2.449 bản, tăng 288% so với đầu nhiệm kỳ (1.250 bản). Đến nay, có 3.699 bản thoả ước lao động tập thể với chất lượng cao và được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai nhân rộng, áp dụng trong cả nước.

Các cấp công đoàn TP đã đẩy mạnh việc khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể của tổ chức Công đoàn. Trong nhiệm kỳ, có 75/592 bộ hồ sơ Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH được Tòa án tiếp nhận. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn đã có 121 doanh nghiệp trả hết nợ BHXH, 177 doanh nghiệp tự giác nộp một phần số nợ, với tổng số tiền thu nợ đọng BHXH là 115 tỷ đồng, giải quyết quyền lợi của 1.745 đoàn viên, công nhân lao động.

Đáng chú ý, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ TP đã xây dựng Đề án số 04/ĐA-LĐLĐ về việc phát triển “Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội” thành “Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội” nhằm tư vấn, hỗ trợ và trực tiếp trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, NLĐ. Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức hơn 1.200 cuộc đối thoại, tư vấn pháp luật cho trên 400.000 lượt đoàn viên, NLĐ; Đại diện, hỗ trợ tư vấn, khởi kiện 98 vụ (trong đó có 42 vụ tham gia tố tụng, bảo vệ người lao động tại Tòa án), giúp NLĐ được nhận tổng số tiền 6,2 tỷ đồng. Đặc biệt với chức năng mới, Trung tâm đã tham mưu LĐLĐ TP trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho đoàn viên NLĐ thông qua mô hình “Chuyến xe Công đoàn“ bán hành giảm giá phục vụ công nhân lao động khu công nghiệp chế xuất; hỗ trợ xe đưa Công nhân lao động ở các tỉnh xa về quê đón Tết.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn TP chủ động phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác An toàn, vệ sinh lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường để công nhân lao động được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn.