Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Bình – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ đôi nét về tình hình sức khỏe của thị trường BĐS trong quý I/2024?
- Quý I/2024 được xem là kỳ nước rút của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành trong nỗ lực chạy đua với thời gian, nhằm rút ngắn khoảng chờ đợi những quy định mới trong các bộ luật, thông qua việc nghiên cứu, soạn thảo để trình ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật.
Thị trường tồn tại đủ “combo” sẵn sàng làm bệ phóng cho tiến trình phục hồi với sự hậu thuẫn từ phía thượng tầng, những căn cứ bản lề từ ba bộ luật (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) có tầm ảnh hưởng nhất tới thị trường, sự quyết tâm của các chủ thể, niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, tất cả yếu tố này vẫn đang trong quá trình “tương tác”, cần chờ thêm sự xuất hiện của chất xúc tác để có thể “tạo phản ứng” cho ra kết quả cuối cùng.
Mặc dù vậy, thị trường cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận, hàng loạt dự án quy mô hàng trăm đến vài chục nghìn hécta, thậm chí hàng tỷ đô la Mỹ "dồn dập" được công bố, đề xuất đầu tư; nhiều hơn những dự án mới, lần đầu tiên ra mắt trên thị trường; các chủ đầu tư tích cực “làm mới dự án cũ” nhằm góp phần khuấy động thêm thị trường.
Điểm chung của các dự án chào sân trong giai đoạn này là pháp lý chuẩn chỉnh, có sự đầu tư mạnh về hạ tầng, cảnh quan, tiện ích, cùng chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm tăng tính thuyết phục với khách hàng, nhà đầu tư.
Kết quả phục hồi của thị trường đã rõ nét hơn, được thể hiện cụ thể qua những con số. Về nguồn cung khoảng 30.511 sản phẩm, trong đó có hơn 4.626 sản phẩm mới, lần đầu tiên ra mắt thị trường; Về giao dịch có khoảng 6.360 giao dịch, tăng 10% so với quý IV/2023 và gấp đôi cùng kỳ; Tỷ lệ hấp thụ đạt 21%, tăng 4 điểm% so với quý IV/2023, gấp gần 3 lần so với quý I/2023. Đáng chú ý, những dự án mới hoàn toàn đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 51%.
Đặc biệt, qua khảo sát thực tế thị trường cho thấy, 70% khách hàng, nhà đầu tư đã sẵn sàng “xuống tiền” mua BĐS trong năm 2024 nếu tìm được sản phẩm phù hợp. Như vậy, các chủ thể tham gia thị trường đang trở lại đường đua.
Nói như vậy có nghĩa, thị trường BĐS đang có sự phục hồi đồng đều giữa tất cả các phân khúc?
- Không hẳn là như vậy, sự phục hồi không phải trên toàn diện mà có sự phân hóa giữa các phân khúc và khu vực. Cụ thể, theo phân khúc: BĐS nhà ở vẫn đi đầu trong tiến trình phục hồi; BĐS công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; BĐS thương mại có thêm sự cải thiện; Riêng BĐS du lịch nghỉ dưỡng chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm; BĐS nhà ở thương mại đã có thêm nguồn cung mới, góp phần làm dịu “cơn khát” nhà ở trong thời gian qua.
Tuy nhiên còn mang tính cục bộ, chưa đủ độ phủ để giải tỏa triệt vấn đề về nhu cầu nhà ở, đặc biệt tại những đô thị lớn; Nhà ở xã hội, vẫn chưa khắc phục được tình trạng “vừa thiếu, vừa ế” mặc dù vẫn thiếu nguồn cung trên tổng thể, một số dự án vẫn chật vật trong khâu bán hàng; Đất nền, BĐS thổ cư là hai phân khúc ghi nhận sự “vận động” một cách tích cực nhất.
Còn theo khu vực thì miền Bắc đang cho thấy tín hiệu khả quan hơn so với miền Trung và miền Nam. Trong đó Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ là những điểm sáng.
Theo ông, thị trường BĐS giai đoạn từ nay đến hết năm 2024 se. diễn biến thế nào?
- Năm 2024 được đánh giá là năm rất quan trọng để Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành liên quan tiếp tục nỗ lực hoàn thiện để ban hành Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh BĐS. Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, phát triển nhà ở xã hội, những động thái mới sẽ ngày càng sâu và sát hơn.
Công tác quy hoạch địa phương, giải ngân đầu tư công... tiếp tục được chú trọng, thúc đẩy tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. So với giai đoạn trước, nhà đầu tư sẽ dành nhiều thời gian để cân nhắc quyết định xuống tiền đầu tư “đón sóng” hạ tầng.
Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp. Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có BĐS, đặc biệt là sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn sẽ giúp quá trình phục hồi của thị trường BĐS tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng tích cực.
Số lượng các chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc” sẽ tăng lên, sẽ có nhiều hơn các dự án được kickoff, giới thiệu, mở bán ra thị trường; Số lượng sàn giao dịch, môi giới BĐS quay trở lại hoạt động tăng thêm 30 - 40%; Khách hàng, nhà đầu tư tìm về kênh BĐS tăng lên, kéo theo các ngân hàng cũng rục rịch nhập cuộc để chuẩn bị cho giai đoạn chạy đua chính sách cho vay.
Nhưng chúng tôi dự báo rằng, mọi sự chuyển biến sẽ diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi, tích lũy trước đó, cùng với sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đô thị hóa. Kết quả phục hồi vẫn có sự phân hóa theo phân khúc và khu vực tương tự như quý I/2024.
Xin cảm ơn ông!