Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương cấm biển, gia cố đê, chủ động ứng phó bão số 11

Đức Thọ (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, sáng nay (16/10) sau khi vượt qua phía Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

 

Cụ thể, hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ hôm nay (16/10) đến hết ngày 17/10 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, riêng phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang tiếp tục có mưa rào và dông, gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 7 - 9; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Quảng Ninh: Huyện đảo Cô Tô cấm biển

Từ sáng 15/10, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã ngừng cấp phép cho các tàu khách đi các tuyến đảo Cô Tô. Huyện đảo Cô Tô cũng đã cấm biển, kêu gọi các tàu thuyền hoạt động quanh khu vực về nơi tránh trú, thông báo cho khách du lịch chủ động về đất liền. Hiện trên đảo còn 92 du khách lưu trú, trong đó có 4 khách nước ngoài. Hơn 400 tàu thuyền cùng bè, mảng của ngư dân đã về nơi an toàn.

Lực lượng chức năng huyện Cô Tô đảm bảo trực ban 24/24 giờ, cử các tổ công tác giúp dân chằng chống nhà cửa, gia cố các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Các đơn vị quân đội, biên phòng, thanh niên sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi bão đổ bộ.
Hải Phòng kêu gọi gần 400 tàu đánh cá về đất liền

Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 11 tại huyện đảo Bạch Long Vỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Từ ngày 14/10, lực lượng biên phòng đã phát thông báo, kêu gọi gần 400 tàu, thuyền đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ quay về đất liền và cẩu hết các phương tiện đánh cá của ngư dân trên đảo lên bờ.

Cho đến chiều tối 15/10, các công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 15 phương tiện bị mắc kẹt trên đảo, trong đó có 10 phương tiện tàu kinh doanh hàng hóa không về kịp đất liền, 4 tàu của ngư dân các tỉnh thành khác.

Hiện những phương tiện trú lại âu cảng và nhà cửa của người dân trên đảo cũng đang được chằng néo kỹ càng, tránh thiệt hại lớn có thể xảy ra.
Chằng néo tàu thuyền cẩn thận, tránh thiệt hại cho bà con ngư dân. Ảnh: VOV.
Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất

Ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành quyết định về việc công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn. Các địa phương có khu vực sạt lở gồm: TP Hòa Bình và sáu huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu và Kỳ Sơn, yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện di dời ngay các hộ dân, nhà cửa, vật kiến trúc, cơ sở sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và có kế hoạch vận động, di dời các hộ dân còn lại nằm trong vùng cảnh báo sạt lở đến nơi an toàn.
Nam Định sẵn sàng di dời dân ở các vùng nguy hiểm

UBND tỉnh yêu cầu, các huyện, TP theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 11, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai kịp thời các giải pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, di dời dân ở các vùng nguy hiểm, khu vực cửa sông, ven biển; thông báo cho nhân dân trong các khu du lịch biết tình hình bão để chuẩn bị phương án bảo vệ tính mạng và tài sản. Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở; tổ chức triển khai ngay phương án bảo vệ các vị trí đê sông, đê biển có nguy cơ bị hư hỏng.
Thái Nguyên vận hành điều tiết xả lũ đối với các hồ chứa đã đầy nước

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên kiểm tra, rà soát sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ đối với các hồ chứa; vận hành điều tiết xả lũ đối với các hồ chứa đã đầy nước, nhất là đối với những hồ chứa lớn như: Hồ Núi Cốc, hồ Bảo Linh, hồ Vai Miếu.
Thanh Hóa khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 11

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã gửi công văn hỏa tốc tới các ngành, địa phương về việc khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 11.

Mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản, hạ tầng công trình tại Thanh Hóa. Đáng chú ý trên các tuyến đê xảy ra rất nhiều sự cố sạt, trượt, thẩm lậu, đùn sủi... uy hiếp an toàn công trình đê điều, hồ đập...

Ngày 14/10, UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã huy động lực lượng địa phương, với sự hỗ trợ của hơn 100 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) tiến hành gia cố lại 4km tuyến đê sông Cầu Chày qua địa bàn xã Thọ Thắng.

Cùng ngày (14/10), huyện Thọ Xuân đã phân công cán bộ chủ chốt thành 5 đoàn công tác về các địa phương có đê sung yếu gồm: Đoạn đê tả sông Chu, qua xã Thọ Trường; đê sông Cầu Chày qua xã Thọ thắng, Quảng Phú, Xuân Tín; đê sông Hoàng qua địa phận xã Xuân Sơn… để chỉ đạo gia cố đê trước khi cơn bão số 11 có thể đổ bộ vào Thanh Hóa.

Cùng với triển khai công tác phòng, chống bão số 11, chiều 15/10, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cùng với trại giam số 5 và Công ty Thái Dương đã thu gom, vận chuyển số lợn chết trong trang trại của công ty ra khu vực đồi Danh (thuộc phân trại giam số 3) để chôn lấp. Mỗi con lợn được gói vào một bao ni-lông để bảo đảm vệ sinh môi trường.
 Gia cố đê tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Thắng.
Quảng Trị Sẵn sàng ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão số 11

Sẵn sàng ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão số 11, các địa phương vùng trũng của tỉnh Quảng Trị cơ bản đã thu hoạch xong mùa màng, người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các phương án đảm bảo tính mạng, tài sản khi mưa lũ tràn về.
Thừa Thiên - Huế cấm biển đối với tất cả phương tiện tàu thuyền

Từ ngày 15/10, tỉnh thực hiện lệnh cấm biển đối với tất cả phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển và trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để chủ động phòng tránh bão số 11, kêu gọi và sắp xếp cho hơn 2.000 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá vào bờ, sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn.

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), gần 300 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 57 tàu đánh bắt xa bờ đã tập kết vào bờ an toàn. Âu thuyền Phú Hải sắp xếp cho hơn 300 tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão số 11.

Ngoài việc cấm biển, các địa phương trong vùng quản lý chặt chẽ tàu thuyền và tổ chức neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn, nhất là số thuyền vùng bãi ngang hoạt động trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tuyệt đối không cho tàu thuyền lén lút hoạt động trên biển và vùng đầm phá; tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện.

Cảng vụ Thừa Thiên - Huế đang tập trung theo dõi sát diễn biến của bão để thông báo hướng dẫn các phương tiện vận tải qua vùng biển Thừa Thiên - Huế, chủ động đảm bảo an toàn ra vào cửa Thuận An và cảng Chân Mây. Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thời tiết; thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, Bộ Công an đã có Công điện số 14 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và khu vực Bắc Bộ, yêu cầu chủ động ứng phó với các tình huống của bão và mưa, lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây ra.