Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương có nhiều người nhiễm áp dụng cách ly F0 tại nhà

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các địa phương có nhiều người nhiễm, được áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F0. Đây là công điện Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chiều 7/8 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng

Theo Bộ Y tế, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm theo đúng yêu cầu của Chỉ thị trên toàn địa bàn; thực hiện hiệu quả, chắc chắn và thực chất việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó".
 Đại diện Tổ công tác Bộ Y tế tập huấn cách xử trí với ca nhiễm đang cách ly, theo dõi ở nhà tại TP Hồ Chí Minh

Triển khai ngay, trong thời gian nhanh nhất có thể phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng. Đồng thời tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong thời gian 24 giờ đối với RT-PCR.

Xây dựng kế hoạch lấy mẫu cho các nhà ở/hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19; áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh.

Với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 3 - 5 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình; lấy mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm RT-PCR, có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình; lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), thực hiện gộp mẫu.

Đối với các khu vực khác, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình hoặc người được phép đi ra ngoài nhà (đi lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu, khám bệnh chữa bệnh…).

Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu…

Trường hợp cần thiết, có thể mở rộng phạm vi, đối tượng xét nghiệm. Tần suất lấy mẫu trong khu công nghiệp. Xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

Tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm.

Bộ Y tế nêu rõ, đối với các địa phương không thực hiện dãn cách tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành.

Chuẩn bị phương án cao nhất cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở

Cũng trong công điện này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.

Thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh.

Theo đó, đối với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng, chuẩn bị và sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19 từ các cơ sở trên địa bàn như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu, các cơ sở lưu trú, khách sạn….

Bộ Y tế lưu ý tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sang nhân viên chăm sóc, phục vụ và các khu vực xung quanh.

Đối với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng, các địa phương xây dựng bệnh viện dã chiến, hoặc thiết lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 từ các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện tư nhân trên địa bàn.

Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, bố trí và bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục… để cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

Người bệnh dương tính Covid-19 không triệu chứng được xuất viện khi nào?

Theo Bộ Y tế, các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, xem xét và chỉ đạo thực hiện các giải pháp: Đối với trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.
Đối với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.

Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch.

Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

Đối với các địa phương có nhiều người nhiễm, được áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp nhiễm. Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các tổ công tác y tế, các tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng.