Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương nỗ lực vực dậy ngành du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tạo cơ hội cho các địa phương đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, mở cửa đón khách quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để phục hồi và phát triển, ngành du lịch Thủ đô đang chuẩn bị nhiều gói sản phẩm mới, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Từ nay đến hết năm 2025, ngành du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách khai thác theo hướng hình thành cụm du lịch trọng điểm theo từng khu vực nhất định.
Cụ thể, cụm du lịch trung tâm Hà Nội (phát triển du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực); Cụm du lịch vùng ven đô (du lịch kết hợp hội nghị, du lịch thể thao, giải trí); Cụm du lịch vùng ngoại thành Hà Nội (phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái...).
Để thực hiện được mục tiêu này ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện; Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường; Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hòa Bình Bùi Xuân Trường thông tin, xác định khách hàng chủ lực là người dân TP Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, tỉnh Hòa Bình đã nâng cấp những điểm du lịch cộng đồng, cải thiện các điểm du lịch. “Hòa Bình đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá tour từ 20 - 50% vào tất cả những ngày trong tuần, qua đó thu hút khách” - ông Trường nói.
Là một trong những địa phương tiên phong đón khách quốc tế tới nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng đã mở cửa du lịch với lộ trình cụ thể. Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái thông tin, sau những thành công bước đầu trong việc đón khách du lịch quốc tế và nội địa, từ nay đến hết tháng 12/2022 ngành du lịch Kiên Giang sẽ đón du khách đến từ các thị trường truyền thống có đường bay trực tiếp đến Phú Quốc như Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng… Đồng thời, các điểm đón du khách sẽ không bó hẹp trong phạm vi đảo Phú Quốc mà mở rộng tới các khu, điểm tham quan du lịch tại Rạch Giá, Hòn Đất, Hà Tiên, U Minh Thượng…
Mặc dù các địa phương đã mở cửa đón du khách nhưng để phát triển bền vững đòi hỏi phải đảm bảo an toàn bởi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, dịch Covid-19 đã buộc ngành du lịch phải thích ứng, trong đó an toàn trở thành quy định bắt buộc trong mọi hoạt động. “Các yếu tố an toàn phải được đưa vào các điểm đến du lịch, các sản phẩm du lịch, phương tiện vận chuyển du lịch, cơ sở lưu trú du và dịch vụ du lịch” - ông Bình nêu rõ.
Tại Hội nghị Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương do Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức, đại biểu 11 tỉnh, TP phía Bắc có chung ý kiến, để hút khách nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 đòi hỏi các địa phương thống nhất xây dựng bộ tiêu chí chung quy trình đón du khách. Cụ thể các địa phương có chung một bộ nhận diện (nhãn hiệu) cho các DN tổ chức tour, chương trình du lịch của địa phương tham gia “Hành lang du lịch an toàn”; thống nhất tuyến du lịch an toàn liên tỉnh.