Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương trước giờ "G" đón bão Sơn Tinh

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bản tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào hồi 16h hôm nay (ngày 18/7), vị trí tâm bão số 3 (bão Sơn Tinh) ở ngay trên vịnh Bắc Bộ và cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vị trí và đường đi của bão lúc 16h chiều 18/7
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km; trong tối và đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.
Từ tối nay, trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100 - 300mm/đợt, có nơi trên 350mm). Kéo theo đó là cảnh báo lũ trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1; sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3.
 Ngư dân TP Sầm Sơn kéo hàng trăm thuyền, bè lên đường phố tránh sóng đánh. Ảnh: Nguyễn Dương/Zing.vn
Thanh Hóa: Hàng nghìn héc ha hoa màu, hàng trăn nhà dân bị ngập
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to, tính đến hết ngày 17/7, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hàng nghìn ha lúa, hoa màu, hàng trăm ngôi nhà ngập sâu trong nước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16h30 ngày 17/7, do mưa lớn, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2 người mất tích, hơn 6000ha lúa, gần 900ha hoa màu, hơn 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản và gần 500 ngôi nhà bị ngập trong nước. Tại một số huyện miền núi đã xảy ra một số điểm sạt lở đất, hàng trăm cầu cống trên địa bàn tỉnh đã bị vùi lấp.

Theo dự báo, cơn bão số 3 sẽ tiến thẳng vào vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Nghệ An: Giao thông chia cắt do mưa lũ

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, tính đến 17h30 ngày 17/7, toàn tỉnh có gần 3.900 phương tiện với hơn 18.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản.

Tính đến tối 17/7, số phương tiện đang neo đậu tại bến là gần 3.800 phương tiện. Các tàu thuyền đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 3.Phòng Quản lý giao thông - Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua trên quốc lộ 48E, nhiều tràn ngập sâu. Tất cả các tràn này đã đóng đường, có người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại. Quốc lộ 16 thuộc các xã biên giới xứ Nghệ tại km215+850 (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) sạt lở ta luy dương dài 17m, rộng 5,0m làm lấp rãnh dọc, lề đường, đất đá bồi lấp nền, mặt đường…

UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các lực lượng theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối...

Trong khi đó, theo ghi nhận của PV báo VOV, vào ngày 18/7, tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An nhiều hộ gia đình, chủ ki ốt kinh doanh tại đây đã chủ động chằng chống nhà cửa, siết chặt những cánh cửa tránh gió giật. Nhiều mái tôn cũng được hạ xuống để đảm bảo an toàn. Nhiều hộ gia đình khác cũng dùng bao tải cát để “đắp lũy” trước các cửa ky ốt, đè lên mái tôn trước nguy cơ gió giật mạnh...
Nhiều tuyến giao thông tại Hà Tĩnh bị sạt lở do mưa lớn. Ảnh: VOV.
Hà Tĩnh: 2 người tử vong do bắt cá trong mưa lũ

Tính đến tối 18/7, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 555 hộ dân với 1.054 nhân khẩu ở các vùng xung yếu được đi dời đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó huyện Nghi Xuân (409 hộ); số còn lại ở các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà và thị xã Kỳ Anh.

Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ, theo thống kê tỉnh Hà tĩnh đã có 2 người tử vong do đánh bắt cá trong mưa lũ. Cả 2 nạn nhân đều trú trên địa bàn huyện Hương Sơn.

Do mưa lớn trong những ngày qua đã làm sạt lở đất đá trên một số tuyến giao thông quan trọng ở miền núi Hà Tĩnh như quốc lộ 8A và tỉnh lộ 552.

Trên tuyến quốc lộ 8A có 5 điểm bị sạt lở, với hàng trăm khối đất đá, cây cối trên núi đổ xuống chắn ngang đường. Các điểm sạt lở cách cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo khoảng từ 1 đến 2 km.

Đoạn sạt lở với một bên là núi và một bên là vực sâu hàng trăm mét. Trong đó tại đoạn km 82+286 sạt lở xảy ra vào chiều hôm qua (17/7), khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn. Đây là đoạn đường đã từng xảy ra sạt lở vào năm ngoái, gây chia cắt đường lên cửa khẩu trong nhiều ngày.

Hiện tuyến đường tuy đã thông nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tại địa bàn giáp ranh giữa huyện Đức Thọ và huyện Vũ Quang. Còn trên Tỉnh lộ 552 nối 2 huyện cũng có nhiều đoạn bị sạt lở, làm đất đá lấp tại km 15+100 và km 15+350, Hạt giao thông số 2 của tỉnh Hà Tĩnh đã huy động nhân lực khẩn trương thông tuyến, đảm bảo giao thông.
Do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 18/7, nhiều chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air đã phải hủy chuyến.

Với hãng Vietnam Airlines, các chuyến bay đến/đi từ sân bay Vinh lên trước 17h35 ngày 18/7 đều được điều chỉnh giờ bay để đảm bảo an toàn bay và sẽ có giờ khai thác sớm hơn từ 2h55 phút đến 5h. 

Hãng Vietjet Air ngừng khai thác các chuyến bay VJ218/VJ219/VJ224/VJ225 trên chặng TP Hồ Chí Minh - Vinh – TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. 

Trong khi đó, có 4 chuyến bay đi, đến sân bay Vinh và Thọ Xuân của hãng Jetstar Pacific vào chiều tối 18/7 bị hủy.