Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các DN Đức mong muốn hợp tác với Nga bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nhân Đức mong muốn tăng cường hợp tác với Nga bất chấp lời cảnh báo trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu của chính quyền Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên một số công ty và ngành công nghiệp của Nga, liên quan đến việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea đã làm phức tạp hoạt động kinh doanh của các công ty châu Âu.
Tuy nhiên, Hiệp hội các DN Đức cho biết các doanh nhân nước này vẫn muốn tăng cường hợp tác với Nga mặc dù Mỹ cảnh báo trừng phạt các DN châu Âu nếu hợp tác kinh doanh với Moscow.
Lệnh trừng phạt của Mỹ chống Nga đang cản trở lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty EU.
“Hiệp hội các DN Đức và Đông Âu mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa châu Âu với Nga trong bối cảnh Moscow đang bị áp lệnh trừng phạt từ EU và Mỹ”, báo cáo của OWC trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội các DN Đức và Đông Âu Michael Harms.
Theo ông Harms, Chính phủ Đức đã nhất trí với đề xuất này, đặc biệt Ngoại trưởng Heiko Maas cũng là người đầu tiên ủng hộ sáng kiến tăng cường hợp tác giữa châu Âu và Nga.
"Các lệnh trừng phạt là một thực tế và không nước nào có thể bỏ qua, song trên thực tế các biện pháp trừng phạt kinh tế chỉ tác động đến một vài ngành công nghiệp. Chúng tôi tin rằng các DN sẽ tìm được những lĩnh vực khác có thể hợp tác với Nga, điều này không chỉ đối với các DN tại Đức mà diễn ra với các công ty EU”, ông Harms cho hay.
Chủ tịch Harms lưu ý thêm rằng Hiệp hội các DN Đức và Đông Âu muốn cảnh báo các nhà lập pháp và quan chức EU cần đặc biệt chú ý đến những lợi ích chung của châu Âu và Nga. Theo ông Harms, mặc dù áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, EU và Nga vẫn có nhiều lĩnh vực hoàn toàn có thể hợp tác.
Ông Harms chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của EU nhắm vào các ngành và cá nhân cụ thể chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài của khối.
Quan chức EU cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Nga cũng “gây trở ngại lớn” cho hoạt động của các công ty châu Âu. “Về nguyên tắc, chúng tôi xem xét việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các DN châu Âu hợp tác với các công ty Nga, bên ngoài lãnh thổ là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và vô nghĩa xét về mặt chính trị”, ông Harms cho hay.
Theo ông Harms, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga được áp đặt hồi tháng 4/2018 cho thấy không có mục tiêu chính trị rõ ràng vì không nêu rõ điều kiện phía Nga cần thực hiện để dỡ bỏ chúng. Mặc khác, ông Harms cho rằng các biện pháp trừng phạt có liên quan đến lợi ích kinh tế của Mỹ, như kế hoạch tăng lượng xuất khẩu khí hỏa lỏng tự nhiên (LNG) của Washington.
“Do chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, phần lớn các công ty sẽ lựa chọn thị trường Mỹ và giảm hoạt động tại thị trường Nga. Lý do đơn giản là sự thống trị toàn cầu của đồng USD và sức mạnh của thị trường Mỹ”, ông Harms nêu rõ.
Hồi tháng 1 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi thư cho một số công ty Đức cảnh báo rằng chính quyền Washington có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt vì đã hỗ trợ tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Đức đã chỉ trích lviệc gửi thư đe dọa của Đại sứ Grenell là một "hành động khiêu khích".