Phát biểu tại buổi làm việc của Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ với Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Hà Nội diễn ra sáng 24/3, đại diện các doanh nghiệp cho biết, luôn sẵn sàng phối hợp với TP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) Trương Hải Long, 3 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của công ty có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không lớn. Là một đơn vị lớn của TP, Handico sẵn sàng nhận các nhiệm vụ chính trị do TP giao để góp phần phòng, chống dịch Covid-19.
“Trong phòng chống dịch Covid-19, Handico đã báo cáo TP về việc sẵn sàng ủng hộ các buồng áp lực tâm, máy thở để góp phần vào chống dịch. Liên quan đến nhiệm vụ được TP giao về việc triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung, Handico đã giao cho các công ty thành viên triển khai và đã xây dựng 2 cơ sở cách ly tập trung ở Sơn Tây” – ông Trương Hải Long cho biết.
Liên quan công tác xây dựng bệnh viện dã chiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) Nguyễn Văn Luyến cho biết, trong tháng 3 này, UDIC được TP giao xây dựng bệnh viện dã chiến tại huyện Mê Linh. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong 7 ngày qua, công ty đã huy động và duy trì lực lượng cán bộ nhân viên từ 300-500 người mỗi ngày để khẩn trương xây dựng. Đến ngày 24/3, bệnh viện dã chiến Mê Linh đã hoàn thành sau 1 tuần.
“Đây là một trong những công trình đòi hỏi Tổng công ty phải nỗ lực và đối mặt với nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Bởi, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện giờ mà huy động được 300-500 công nhân tại công trường là việc rất khó. Mặt khác, trụ sở của của bệnh viện Đa khoa Mê Linh – nơi được dùng để làm bệnh viện dã chiến đã bỏ khá lâu không sử dụng. Hiện, chúng tôi đang đánh giá để nghiệm thu và bàn giao cho Sở Y tế” – ông Nguyễn Văn Luyến chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ bày tỏ sự ấn tượng và đánh giá rất cao kết quả này. Theo Bí thư Thành ủy, đây có thể xem đây là một tấm gương trong công tác chống dịch. Bởi, làm được một bệnh viện dã chiến 250 giường bệnh điều trị trong 7 ngày không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian có dịch Covid-19 hiện nay của Tổng công ty bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong tuần trước, Tổng công ty đã đề xuất với TP cắt giảm trên 1.000 lượt xe/ ngày vì lượng khách sụt giảm và cũng giảm việc sử dụng phương tiện công cộng để tránh lây nhiễm bệnh theo khuyến cáo.
Với việc giảm tần suất trên 1.000 lượt xe buýt mỗi ngày thì Tổng công ty đã phải triển khai giãn công, giãn ca với toàn thể cán bộ nhân viên và cho nghỉ giãn cách để đảm bảo vẫn duy trì được hoạt động cũng như trả lương cho người lao động. Từ thực trạng đó, Tổng Công ty vận tải Hà Nội đề xuất TP cho ngừng đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tương tự, đại diện Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành du lịch là rất nặng nề và hiện hầu hết khách sạn của TP đều chỉ đạt công suất phòng từ 10-15%.
Cũng theo đại diện Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, chỉ trong vòng 24h, khách sạn Hòa Bình (quận Hoàn Kiếm) đã được đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhân viên, hoàn thiện thủ tục để trở thành điểm cách ly tập trung cho những chuyên gia cao cấp của nước ngoài. Đến thời điểm này đã có khoảng hơn 20 người được đưa vào cách ly tại đây và đều là khách do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 điều phối. Tổng Công ty cũng đăng ký thêm khách sạn Espana ở Hoàn Kiếm tổ chức 50 phòng và khách sạn Lake Side ở Ngọc Khánh (quận Ba Đình) để sẵn sàng đưa gần 200 phòng vào tổ chức cách ly tập trung cho người tự nguyện trả phí. Tuy nhiên, việc này đang được các cơ quan chức năng của TP cân nhắc.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy yêu cầu, TP phải chủ động làm việc, liên hệ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về việc huy động các khách sạn của TP vào tổ chức cách ly tập trung cho người có nhu cầu tự chi trả. “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tinh thần chống dịch phải như chống giặc, thế nên các đồng chí phải quyết liệt hơn. Nhu cầu được vào cách ly tập trung tại khách sạn và sẵn sàng tự chi trả phí của hành khách là có, trong khi nhiều khách sạn đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không có khách, thế nên các đơn vị phải chủ động hơn, cấp bách hơn” – Bí thư Thành ủy đề nghị.