Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các đơn vị của Hà Nội đã làm thế nào để thực hiện tốt “mục tiêu kép”?

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 28/12, bên lề Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tại điểm cầu Hà Nội, đại diện lãnh đạo TP, các sở ngành, quận huyện của TP đã chia sẻ những kinh nghiệm, nỗ lực vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020 đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan: Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa
Trước tình hình đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như Thế giới, ngành công thương đã tập trung suy nghĩ và đưa ra những giải pháp có tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho TP Hà Nội. Trong lĩnh vực của công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, ngành công thương là đơn vị đầu tiên tham mưu cho TP xây dựng kế hoạch kích cầu và triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung để nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn kho cho doanh nghiệp; tổ chức rất nhiều những hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh thành phố để cân đồi cung cầu trên địa bàn TP.
 Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. 
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng quan tâm tăng trưởng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch Covid-19, thúc đẩy việc không sử dụng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp. Năm nay, TP đã thành lập 25 cụm công nghiệp trên địa bàn, đưa tổng số cụm công nghiệp thành lập lên 43 cụm và đồng thời tập trung tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong doanh nghiệp. Đặc biệt là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã đề xuất giảm thu phí lệ phí từ 30-50% cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các thủ tục hành chính trong thời điểm phải cách ly xã hội…
Kết quả các chỉ tiêu phát triển công nghiệp năm nay tăng 4,7%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,7%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%. Chỉ số giá tiêu dùng của TP được kiểm soát. Phải nói rằng đấy là những cố gắng nỗ lực của ngành công thương cùng với các doanh nghiệp và các cấp các ngành vào cuộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP lên cao hơn so với bình quân chung bình cả nước.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: Tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị
Cần nhấn mạnh rằng, trong cơ cấu kinh tế xã hội của quận Hoàn Kiếm thì tỷ trọng thương mại dịch vụ đã chiếm 98,5%. Riêng năm 2020, quận Hoàn Kiếm bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn quận giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc nhiều khả năng quận Hoàn Kiếm không hoàn thành được các chỉ tiêu TP giao, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn. Tính đến tháng 7/2020, tổng thu NSNN trên địa bàn quận mới đạt xấp xỉ 40%, trong đó tỷ trọng về du lịch giảm đến 80% tại thời điểm đó; trong khi chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 mà TP giao là hơn 10 nghìn tỷ đồng, là một số thu rất lớn đối với quận Hoàn Kiếm.
 Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long. 
Trước tình hình như vậy, ngay sau hội nghị giao ban công tác quý III/2020 do Thường trực Thành ủy chủ trì, quận Hoàn Kiếm đã tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể, rà soát nguồn thu, triển khai các nhiệm vụ thu để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch TP giao.
Với việc triển khai các giải pháp nhiệm vụ cụ thể, đến nay, các chỉ tiêu KTXH của quận Hoàn Kiếm đều hoàn thành và có những chỉ tiêu đạt và vượt so với TP giao. Riêng chỉ tiêu thu ngân sách hiện nay khoảng 10.221 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 102% kế hoạch TP giao. Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã tập trung làm tốt nhiệm vụ kép, tập trung các giải pháp rà soát nguồn thu và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế. Đến nay đã có 5.200 DN trên địa bàn nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 100%; tiếp tục triển khai nộp thuế điện tử đến 11.200 hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra, có rất nhiều dịch vụ thu phí công ích khác được triển khai bằng hóa đơn điện tử như thu tiền điện, tiền nước, tiền Internet…
Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách du lịch trên địa bàn quận giảm, quận đã chuyển hướng dành nguồn lực để tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, cũng như củng cố lại các cơ sở vật chất phục vụ cho ngành du lịch trên địa bàn quận. Điển hình là dịp 10/10 vừa qua, quận đã hoàn thành dự án cải tạo kỹ thuật và chỉnh trang khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Đến đầu năm 2021, quận Hoàn Kiếm sẽ hoàn thành tất cả hạ ngầm hệ thống đường dây điện trong khu vực phố cổ, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại phố ẩm thực Tống Duy Tân và Cấm Chỉ, đồng thời củng cố lại các hoạt động của các khu phố này đúng nghĩa là tuyến phố ẩm thực và công nghệ của Hà Nội. Vào ngày 31/12/2020 sắp tới, quận Hoàn Kiếm sẽ chính thức khai trương mở rộng không gian phố đi bộ trong khu vực phố cổ, gắn kết giữa khu phố đi bộ phía Bắc với khu phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, tạo không gian để thu hút khách du lịch.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh: Chuẩn bị các dự án đầu tư ngay từ đầu năm  
Năm 2020 là một năm rất vất vả, không chỉ đối với quận Cầu Giấy mà đối với toàn TP Hà Nội và cả nước nói chung. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, các đơn vị sở ngành, quận Cầu Giấy cùng các quận huyện khác cố gắng hết sức để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020. Trong đó, quận Cầu Giấy đã hoàn thành được 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.
 Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh. 
Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm mọi chỉ đạo của TP về huy động sức dân để cùng với nhà nước hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, những người lao động mất việc làm…với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và 270 tấn gạo. Về định hướng trong năm tới, quận Cầu Giấy chuẩn bị tất cả các dự án đầu tư ngay từ đầu năm cũng như tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.