Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các dự án công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện trên địa bàn cả nước có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư khoảng 576.484 tỷ đồng.

Đến nay, có 7 dự án đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, 19 dự án đang trong giai đoạn thực hiện, khởi công và đầu tư. Tuy nhiên, có một thực tế, hầu hết các dự án đã và đang triển khai đều bị chậm tiến độ do vướng GPMB, mặt đường vừa làm xong đã xuống cấp.

 

Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội Trương Quang Thiều cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác GPMB, trong đó tập trung vào các vấn đề như, thiếu nhà tái định cư; tiến độ di chuyển, hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao chỉ giới dự án còn chậm; thiếu linh hoạt trong việc xử lý các nguồn vốn. Điển hình tại dự án đường nối cầu Nhật Tân đến Sân bay Nội Bài, cuối năm 2012, Bộ GTVT đã chuyển 500 tỷ đồng cho Hà Nội để đền bù GPMB. Nhưng vào thời điểm đó phương án đền bù, GPMB, tái định cư chưa xong do người dân chưa đồng thuận nên không thể giải ngân được. Đến cuối năm 2013 khi dân đã đồng thuận thì nguồn vốn lại thiếu.

 

Còn theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) Lê Ngọc Hoa, công tác GPMB không thể đổ hết trách nhiệm cho địa phương hay chủ đầu tư mà còn cần có sự vào cuộc của nhà thầu và các đơn vị liên quan. Ví dụ như việc GPMB đường nối từ cầu Nhật Tân đến Sân bay Nội Bài, Cienco 4 thi công gói thầu số 5 đi qua khu dân cư đông đúc. Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội và tư vấn, giám sát tháo gỡ và hỗ trợ người dân trong diện GPMB để có mặt bằng thi công sớm hơn và như thế tiết kiệm được chi phí. Đó là một trong những cách làm mà các nhà thầu cũng nên có trách nhiệm cùng với chủ đầu tư.

 
Trước việc nhiều công trình giao thông như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương... vừa đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, tình trạng sụt lún là do tác động từ bên ngoài và việc cho phép xe chở quá trọng tải hoạt động liên tục cũng khiến mặt đường biến dạng. Bộ GTVT đang khoan kiểm tra lấy mẫu toàn bộ các tuyến đường mới được đưa vào sử dụng để phân tích. Hiện, chưa phát hiện đơn vị nào "ăn bớt" vật liệu. Các lỗi được phát hiện chủ yếu liên quan đến chất lượng nhựa đường nhập khẩu chưa được kiểm soát và quy trình thực hiện thi công đường.