Các hội nghị hợp tác, đầu tư và phát triển: Biến những tiềm năng thành lợi thế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội liên tục tổ chức các Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, qua đó thu hút một lượng lớn vốn đầu tư, DN trong và người nước đến với Thủ đô. Kết qua này đã thể hiện sự gắn kết của chính quyền TP Hà Nội với các nhà đầu tư.

Bất chấp Covid-19 sóng đầu tư dồn dập đổ vào Hà Nội

Tháng 6 vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 đã khiến việc thu hút DN đầu tư vào TP Hà Nội gặp nhiều khó khăn nhưng tại Hội nghị “Hà Nội 2020- Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tổ chức ngày 27/6/2020, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng so với năm 2019.

Đây không phải là lần đầu tiên TP Hà Nội thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư, từ năm 2016 đến nay TP Hà Nội đã liên tục tổ Hội nghị “Hà Nội Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, qua đó kêu gọi được các DN trong nước và quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào Hà Nội với số vốn đầu tư tăng dần qua các năm.

Cụ thể, năm 2016 TP Hà Nội chỉ thu hút được 445 dự án mới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký là 2,8 tỷ USD, đến năm 2018 lượng vốn FDI đầu tư vào đạt khoảng 7,501 tỷ USD, năm 2019 các DN FDI đã đầu từ 8,669 tỷ USD.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Hội nghị '''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển''. Ảnh: Phạm Hùng 

Riêng trong 8 tháng qua, mặc dù dịch Covid-19 đã gây khó khăn không nhỏ cho việc thu hút vốn FDI, nhưng TP Hà Nội cũng đã thu hút được 2,86 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong đó, phải kể đến một loạt dự án lớn đã được cấp phép trong những tháng đầu năm 2020 như: Dự án Nidec Chaun Choung Việt Nam - nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư qua Đài Loan (Trung Quốc), vốn đầu tư 174,5 triệu USD; Dự án Hanoi Lotte World Aquarium (Hàn Quốc), vốn đầu tư 47 triệu USD; Dự án Công trình văn phòng 29 Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn 246 triệu USD...

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch (HPA) Nguyễn Gia Phương cho biết: Các lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất hiện là hoạt động kinh doanh bất động sản, tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin và truyền thông, xây dựng… TP ưu tiên thu hút đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý; các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Những thành quả thu hút vốn đầu tư của Hà Nội được nhiều nhà quản lý, giới chuyên gia đánh giá cao.

“Quan điểm thu hút FDI của TP Hà Nội là có sự chọn lọc, hiệu quả. Để đạt mục tiêu này TP Hà Nội xây dựng chiến lược thu hút FDI với từng thị trường, dựa vào thế mạnh của quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn tới Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand sẽ là những thị trường mục tiêu TP Hà Nội hướng tới trong quá trình thu hút vốn FDI” - ông Phương chia sẻ.

Tiên phong tạo lập môi trường kinh doanh

Thực tế thu hút vốn FDI thời thời gian gần đây cho thấy, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung các công ty Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu có xu hướng chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó sức ép từ đại dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn khỏi Trung Quốc để giảm sự lệ thuộc vào thị trường này, nhất là trong lĩnh vực thiết bị y tế.

Trong bối cảnh đó Việt Nam và Hà Nội có những cơ hội mới cho một sự thay thế mạnh mẽ, nhờ sự gần gũi về vị trí địa lý với Trung Quốc, thuận lợi cho việc cung ứng linh kiện. Bên cạnh đó, lao động tay nghề cao, nhưng chi phí lao động thấp cũng là yếu tố quan trọng để các DN cân nhắc lựa chọn Việt Nam là nơi sản xuất. Quan trọng hơn cả TP Hà Nội luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo lao động.

Cùng với đó, TP cũng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài là những chủ đầu tư dự án thuộc ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.

Đánh giá về hoạt động xúc tiến thu hút vốn FDI của Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: Từ năm 2016 đến nay, việc TP Hà Nội liên tục tổ chức Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” thu hút một lượng lớn vốn FDI đã khẳng định nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và quyết tâm đồng hành của chính quyền TP Hà Nội. Đồng thời tạo tiền đề để hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. 

"Nhằm thu hút vốn FDI trong hoàn cảnh dịch Covid-19, ngoài việc quyết liệt kiểm soát Covid-19, Hà Nội còn đẩy mạnh triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời tập trung đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành theo phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “Một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

Đặc biệt, TP yêu cầu nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong công việc của mỗi cán bộ, công chức, theo tinh thần tập trung tháo gỡ khó khăn, phục vụ người dân, DN" - Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương


"Hiện một loạt các quốc gia thực hiện chính sách hướng Nam và Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên, trong đó, Hà Nội và các TP, các tỉnh phía Bắc là điểm dừng chân đầu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là sự chuyển dịch có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế và chính trị - xã hội.

Hà Nội có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực trí tuệ cao, tiềm năng thị trường lớn, đồng thời được Chính phủ đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển. Điều này hứa hẹn Hà Nội sẽ là một TP đáng sống và là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn, thành công cho các DN trong và ngoài nước" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.