Theo đó, trong tuần từ 14/8 - 20/8/2017, toàn TP Hà Nội ghi nhận 3.524 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới, giảm 54 trường hợp so với tuần từ 6/8 - 13/8/2017. Một số đơn vị có số mắc cao như Hoàng Mai (431 trường hợp), Đống Đa (381 trường hợp), Hai Bà Trưng (329 trường hợp), Thanh Xuân (318 trường hợp)… Trong tuần, TP không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Như vậy, lũy tích từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 18.862 trường hợp sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Trong đó, số bệnh nhân đã khỏi là 16.343 (chiếm 86,6%) và hiện còn 2.519 trường hợp đang điều trị. Số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không có bệnh nhân mới) là 1.468 trên tổng số 2.112 ổ dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm, tính chung cả nước, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay ghi nhận trên 90.000 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết kéo dài từ tháng 9 - 11, do đó sự chững lại của 2 tuần vừa qua mới chỉ là bước đầu, nên không thể chủ quan. Thời gian qua, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tiến hành phun thuốc diệt muỗi diện rộng, với 21 máy phun công suất lớn, cùng đó là các đội xung kích sử dụng máy phun tay và máy phun mù nóng… nhưng chỉ mới giải quyết phần ngọn, giúp hạ nhiệt tình hình dịch sốt xuất huyết. Giải pháp căn bản và bền vững vẫn phải là tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong việc diệt bọ gậy, không để điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Giải thích lý do Hà Nội không công bố dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Mục đích của việc công bố dịch là để thông báo cho nhân dân biết và huy động nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch thì đến nay cả 2 mục đích này đều được Thành phố triển khai đồng bộ. Sở Y tế có báo cáo tình hình dịch hàng tuần và thông báo rộng rãi. Lãnh đạo cao nhất của TP, từ Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đều vào cuộc chỉ đạo xử lý dịch; TP cũng bố trí 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch... Nên việc công bố dịch chỉ là thủ tục hành chính, vấn đề là phải phát huy tốt những giải pháp mà Thành phố đã và đang triển khai.