Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nguyên tắc cơ bản dành cho “dân văn phòng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong văn phòng, dù mọi người có thân thiết và vô tư đến đâu, bạn cũng nên cẩn trọng với lời ăn tiếng nói của mình.

Hãy suy nghĩ trước khi phát ngôn, kể cả với những câu chuyện, nhận xét hài hước bởi chỉ cần một lần " nói hớ", danh tiếng nghề nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

 
Trong cuộc sống công sở, bên cạnh nội quy của công ty, còn có những quy tắc "bất thành văn" mà nhân viên nào cũng phải tuân thủ. Dưới đây là 10 nguyên tắc như vậy:

Bên cạnh nội quy của công ty, còn có những quy tắc "bất thành văn" mà nhân viên nào cũng phải tuân thủ.

 

Suy nghĩ kỹ trước khi nói

 

Trong văn phòng, dù mọi người có thân thiết và vô tư đến đâu, bạn cũng nên cẩn trọng với lời ăn tiếng nói của mình. Hãy suy nghĩ trước khi phát ngôn, kể cả với những câu chuyện, nhận xét hài hước bởi chỉ cần một lần " nói hớ", danh tiếng nghề nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

 

Là một thành viên trong nhóm

 

Là một thành viên trong nhóm tức là bạn phải giúp đỡ đồng nghiệp khi họ "quá tải", tích cực xây dựng nhóm phát triển và kết nối các thành viên với nhau. Mọi người trong nhóm cùng nhau chia sẻ thành công cũng như thất bại để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất và xây dựng văn hoá công sở vững mạnh.

 

Tôn trọng sự riêng tư cá nhân của đồng nghiệp

 

Khi sếp hay đồng nghiệp đóng cửa phòng mình lại, tức là anh/cô ấy không muốn bị làm phiền. Vì vậy, bạn hãy tôn trọng sự riêng tư cá nhân của họ.

 

Nói đùa có giới hạn

 

Bất cứ lời nói đùa nào cũng phải có giới hạn nhất định. Chỉ cần bạn nói đà, nó sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của bạn với sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng.

 

Kiểm tra email kỹ lưỡng trước khi nhấn " send"

Hãy kiểm tra kỹ lưỡng nội dung, lỗi ngữ pháp, chính tả, ngôn từ trước khi gửi email cho đồng nghiệp, khách hàng. Kể cả với những email không quan trọng, bạn cũng cần thực hiện nguyên tắc này để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình trong công việc.

 

Không để vấn đề, ý kiến cá nhân ảnh hưởng tới công việc

 

Sẽ không ổn chút nào nếu bạn áp đặt suy nghĩ của cá nhân lên đồng nghiệp bởi ai cũng có quan điểm riêng và mọi người phải tôn trọng nó. Ngoài ra, bạn cũng không nên mang chuyện gia đình, cá nhân đến thảo luận ở cơ quan và để chúng ảnh hưởng tới công việc. Hãy rạch ròi giữa công việc và cuộc sống riêng.

 

Đi ăn trưa cùng đồng nghiệp

 

Dù bạn không nhất thiết phải đi ăn trưa cùng đồng nghiệp cả 5 bữa một tuần nhưng hãy đảm bảo rằng mình thường xuyên tham gia, kể cả các buổi liên hoan, tụ tập. Đây là cách thắt chặt tình cảm với mọi người trong văn phòng.

 

Luôn chú ý tới hành động, lời nói của mình

 

Bất cứ việc gì bạn làm trong ngày, kể cả khi nghỉ trưa, đều thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Đừng chỉ vì 1 câu nói hay hành động hồ đồ mà ảnh hưởng tới hình ảnh chuyên nghiệp của bạn.

 

Không để vấn đề của bản thân ảnh hưởng tới đồng nghiệp

 

Hãy cố gắng đừng để sai lầm của bản thân làm liên lụy tới những người khác. Nếu gặp vấn đề, hãy tự mình tìm cách giải quyết và chỉ nhờ đến người khác nếu nó vượt quá tầm kiểm soát của bạn.

 

Tôn trọng tài sản của công ty

 

Điều đó có nghĩa là bảo vệ, giữ gìn tài sản chung của công ty và đặc biệt không cố tình" cầm nhầm" đồ cơ quan về nhà, dù chỉ là những thứ rất nhỏ như giấy in, bút viết. Chỉ cần sếp hay đồng nghiệp bắt gặp những hành động không đẹp mắt đó, họ sẽ có ấn tượng xấu về bạn, nếu nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị sa thải hoặc phải đối mặt với pháp luật.