Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nhà mạng phải tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông như: nhà trạm viễn thông, cột ăng-ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Tại Chỉ thị 52 về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông mới được ban hành, Bộ TT&TT cho biết, những năm gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của thị trường viễn thông, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và trên thế giới. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ.
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, công tác quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn hạn chế, nhất là trong việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình hạ tầng viễn thông thụ động. “Việc các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông, mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân”, Bộ TT&TT nhận định.
Để tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, Chỉ thị 52 của Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu triển khai việc chia sẻ, sử dụng chung trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan, quy hoạch hạ tầng kĩ thuật viễn thông thụ động của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng kế hoạch phát triển cột ăng-ten, cống bể cáp, cột treo cáp và nhà trạm viễn thông của doanh nghiệp theo từng tỉnh, thành phố; định kỳ hàng năm (trong quý IV) báo cáo các Sở TT&TT để tập hợp, quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và phương án sử chung hạ tầng tại địa phương.
Trong đó, với các doanh nghiệp viễn thông di động, nhiệm vụ Bộ TT&TT yêu cầu tập trung là trao đổi, thống nhất một số mẫu thiết kế các loại cột ăng-ten bảo đảm các yêu cầu về an toàn xây dựng, mỹ quan đô thị và tăng cường khả năng sử dụng chung; tối ưu hóa tải trọng, dung lượng cả các cột ăng-ten và nhà trạm viễn thông đã xây dựng để có thể chia sẻ, sử dụng chung.
Tại Chỉ thị 52, Bộ TT&TT còn yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tham dự các buổi làm việc do Sở TT&TT tổ chức định kỳ 6 tháng/ lần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm để trao đổi kế hoạch phát triển cột ăng-ten, cống bể cáp, cột treo cáp, nhà trạm viễn thông theo từng tỉnh, thành phố; đồng thời báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện với các Sở TT&TT, Bộ TT&TT (Cục Viễn thông) để kịp thời tháo gỡ.
Với các Sở TT&TT, Bộ TT&TT đề nghị định kỳ hàng năm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tại địa phương để xác định, công bố công khai hạ tầng kỹ thuật liên ngành mà các doanh nghiệp viễn thông có thể sử dụng chung; phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung và xử lý các vướng mắc, tranh chấp về việc tiếp cận, chia sẻ, sử dụng chung, giá thuê… hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và hạ tầng kỹ thuật liên ngành; báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phương án tạo điều kiện trong việc phê duyệt, cấp phép, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng kỹ thuật liên ngành mà các doanh nghiệp, đơn vị có sự phối hợp xây dựng, sử dụng chung…