Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho biết, nước này hoàn toàn ủng hộ chính sách mới của Mỹ với Iran. UAE cũng tái cam kết sẽ hợp tác với Washington để chống lại sự ủng hộ của Iran với chủ nghĩa cực đoan.
Chính phủ Bahrain cũng tuyên bố hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran, cũng như đối với việc Iran ủng hộ các nhóm cực đoan tại Trung Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, Tổng thống Trump đã tạo ra cơ hội để sửa chữa thỏa thuận tồi tệ này, để giảm bớt sự hung hăng của Iran và kiểm soát việc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Trong khi đó, lập trường của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran khiến các đồng minh phương Tây lo ngại.
Tại Brussels, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng, thỏa thuận này không phải là thỏa thuận song phương và Washington không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận.
Các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung cảnh báo Mỹ không nên đưa ra những quyết định có thể gây tổn hại tới thỏa thuận hạt nhân như việc tái áp đặt trừng phạt với Tehran.
Thông báo từ văn phòng tổng thống Pháp cho biết, việc Mỹ quyết định không xác nhận thỏa thuận này sẽ không thể chấm dứt nó. Pháp và các đối tác châu Âu sẽ duy trì việc thực hiện những cam kết của họ liên quan tới thỏa thuận.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, quyết định của ông Trump không xác nhận thỏa thuận sẽ không có tác động trực tiếp với việc thực thi thỏa thuận.