Các nước tiểu vùng Mekong phát triển kinh tế xanh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội thảo các nước tiểu vùng sông Mekong về tăng trưởng xanh “Cùng hành động để phát triển,” nhằm thảo luận cách thức thực hiện mục tiêu về một khu vực thịnh vượng và công bằng hơn, thông qua phát triển kinh tế xanh, tổ chức ngày 1/12, tại Hà Nội.

Viện Chiến lược Chính sách Tài Nguyên và Môi trường (ISPONRE) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi Trường Việt Nam phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Chính phủ Anh, Chương trình Liên hợp quốc về Môi trường (UNEP), Quỹ thế giới bảo tồn thiên nhiên (WWF), Bộ Ngoại giao Đan Mạch, Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) tổ chức hội thảo này.

Tiến sỹ Geoffrey Blate, Cố vấn cấp cao về Bảo tồn cảnh quan của WWF Greater Mekong cho biết việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sinh thái khu vực sông Mekong có tiềm năng mang lại một lợi ích tuyệt vời.

“Bằng cách đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên, khu vực tiểu vùng sông Mekong tạo ra nhiều lựa chọn hơn để tăng trưởng kinh tế, bảo vệ xã hội khỏi thiên tai và đảm bảo tính bền vững dài hạn trước những biến đổi môi trường mang tính toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu,” Tiến sỹ Geoffrey Blate nói.

Ông Blate đề nghị các bộ trưởng lưu ý việc duy trì hiệu suất của các hệ sinh thái liên kết trải dài trên các tiểu vùng sông Mekong, sẽ tạo ra khả năng chống đỡ linh hoạt trước những tác động đang gia tăng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Hành động hướng tới một nền kinh tế xanh đã đặt đa dạng sinh học khu vực sông Mekong vào vị trí trung tâm, sự chuyển đổi này là thử thách lớn nhất trong thập kỷ tới.

Khu vực tiểu vùng sông Mekong là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Ít nơi trên trái đất mà các liên kết nền tảng giữa con người và sự giàu có của hệ sinh thái lại biểu hiện một cách rõ rệt như vậy. Khoảng 80% dân số phụ thuộc vào sức sản xuất của các hệ sinh thái tự nhiên khỏe mạnh, để duy trì các chức năng chủ chốt của hệ sinh thái, như cung cấp nước sạch, thực phẩm và sợi nguyên liệu.

Các quốc gia dọc tiểu vùng sông Mekong đang dần nhận thức được sự cần thiết của việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, để phản ánh vai trò thực sự của tài nguyên thiên nhiên trong việc duy trì nền kinh tế và sự thịnh vượng của 400 triệu người dân.

“Chúng ta đang khai thác triệt để các thành phần và quá trình của hệ sinh thái một cách vô tư để mang lại các lợi ích cho con người xã hội và kinh tế,” tiến sỹ Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh và cho rằng: "Phần lớn người dân biết rõ giá trị của ngôi nhà, chiếc xe hay công việc của họ. Nhưng giá trị của các dịch vụ mà các hệ sinh thái mang lại là vấn đề mà chúng ta vẫn còn đang phải tìm hiểu. Với những công cụ và phương thức tiết cận mới, chúng tôi đang cố gắng đưa những giá trị này vào các hệ thống đánh giá quốc gia."

Tại cuộc họp vào tháng Bảy vừa qua, Bộ trưởng Môi trường của các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã nhận ra rằng, việc phát triển kinh tế của tiểu vùng đòi hỏi cơ sở hạ tầng sinh thái phải được cải thiện và quản lý hiệu quả hơn, để đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như các nhu cầu mới về thức ăn, nước và năng lượng - là nền tảng đối với sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai và là sự thịnh vượng trong khu vực.

Hội thảo đã xem xét các mô hình và những cơ hội hợp tác để tăng cường hỗ trợ và khuyến khích đầu tư bền vững tại khu vực này, đồng thời xác định các hoạt động mục tiêu để nhân rộng và tăng cường các hoạt động hiệu quả nhất, cũng như điều chỉnh chính sách và quy định trên toàn khu vực. Với tầm nhìn hướng tới Hội nghị Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững Rio+20 tại Brazil vào tháng 6/2012, các đại biểu cũng mong muốn đạt được đề xuất "Lộ trình đến Rio.”

Lộ trình này sẽ khái quát hóa mục tiêu về phát triển xanh, kinh tế xanh đối với khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Khu vực tiểu vùng sông Mekong (GMS) là khu vực kinh tế tự nhiên bao quanh song Mekong, với diện tích 2,6 triệu km2 và gần 400 triệu dân sinh sống. Các nước khu vực GMS bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Năm 1992, cả 6 quốc gia này đã tham dự một chương trình hợp tác kinh tế tiểu khu vực, nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia./.