Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các thiết chế văn hóa: Chưa phát huy hết tiềm năng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/12, Đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã làm việc với UBND quận Tây Hồ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn trên địa TP Hà Nội từ năm 2013-2017.

 Phó Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai – Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, các thiết chế văn hóa, thể thao quận, phường do ngân sách quận đầu tư gồm:     Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao quận gồm 2 cơ sở (trong đó, cơ sở 1 có 1 sân vận động, 7 sân tennis đạt tiêu chuẩn tập luyện và thi đấu. Cơ sở 2 có 1 hội trường lớn được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, với hơn 500 ghế ngồi). 7/8 có nhà văn hóa phường . Hầu hết các nhà văn hóa được quy hoạch và xây dựng thiết kế quy mô gồm: Hội trường lớn, phòng tập, sân tập TDTT, phòng sinh hoạt cho các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu cho trẻ em, thư viện, trung tâm học tập cộng đồng, đài truyền thanh... Trang thiết bị phục vụ sinh hoạt được đầu tư đầy đủ; 81/89 nhà sinh hoạt địa bàn dân cư. Kinh phí hoạt động các nhà sinh hoạt địa bàn dân cư của 7/8 phường chủ yếu hoạt động theo phương châm tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân địa phương và các hội viên tham gia Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đóng góp.
 

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khảo sát tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao co sở 1 quận Tây Hồ.

Tuy nhiên, theo các thành viên trong đoàn khảo sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng tại địa bàn vẫn còn một số vấn đề vướng mắc: Chưa có cơ chế về kinh phí để duy trì hoạt động. Quận chưa áp dụng mô hình quản lý, hoạt động phù hợp với tình hình thực tế vận dụng. Tiến độ xây dựng nhà văn hóa phường Tứ Liên còn chậm. Nhiều nhà sinh hoạt, nhà văn hóa tổ dân phố tại Xuân La, Thụy Khuê, Nhật Tân còn thiếu, xuống cấp, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT… chưa phát huy được hết tiềm năng. Nguồn kinh phí còn hạn chế và thiếu tính chủ động. Đồng thời cần lưu ý đến  việc gắn các thiết chế văn hóa với các thiết chế thể thao mới có thể phát huy được hiệu quả hoạt động.
Qua trao đổi thảo luận, Phó Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai – Trưởng đoàn khảo sát cho rằng, đoàn khảo sát ghi nhận tiếp thu, kiến nghị với HĐND TP Hà Nội xem xét, sớm có nghị quyết về chính sách, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến thông tư 12 của Bộ Văn hóa để các quận, huyện thị xã thu hút xã hội hóa đối với trung tâm VHTT ở các xã, phường. Chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý. Khai thác các nhà văn hóa phường để tạo động lực, thu hút cán bộ có năng lực tạo văn hóa quần chúng ngày càng phát triển.
 

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khảo sát tại nhà văn hóa phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

* Đoàn đã khảo sát Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cơ sở 1, nhà văn hóa tổ dân phố 1, nhà văn hóa phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.