Các tỉnh Bắc Bộ bước vào đợt mưa dài ngày

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, các đợt mưa lớn nhiều khả năng còn xảy ra tập trung trong nửa cuối tháng 7 và 8/2018. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình nhiều năm.

Ảnh minh họa
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, hiện nay do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới đang lấn về phía Tây nên trong ngày và đêm qua (14/7) ở Hòa Bình, các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20 - 50mm, có nơi mưa rất to như: Hòa Bình 59mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 68mm, Bắc Ninh 64mm, Hoài Đức (Hà Nội) 69mm, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 64mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 54mm. 
Hiện nay (15/7), dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hoạt động mạnh, trên cao áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn về phía Tây. Ở phía Nam, gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh. Dự báo từ nay đến ngày 17/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Đông Bắc, Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Thời tiết khu vực Hà Nội từ nay đến ngày 17/7, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2 - 3 ngày tới tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Dự báo hình thái thời tiết các tháng cuối năm

Còn theo bản tin dự báo tháng 7/2018 của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2018 có khoảng 8 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông, trong số đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiều khả năng bão và ATNĐ sẽ tập trung trong chính mùa bão (tháng 8 - 11) và ít khả năng xuất hiện bão dồn dập vào cuối mùa như năm 2016 và 2017.

Ngoài bão và ATNĐ gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu ở các tỉnh vùng núi phía bắc, các khu vực có địa hình dốc và thảm thực vật yếu.

Ngoài ra, cần đề phòng gió mạnh trên các khu vực ven biển và vùng biển phía nam Biển Đông từ tháng 7 - 9/2018 trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam và vào những tháng cuối năm 2018 trên các vùng biển khu vực bắc và giữa Biển Đông do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra.

Trong khi đó, hiện tượng ENSO (tên gọi tắt của hai hiện tượng El Nino và La Nina) hiện tại đang tiếp tục được xác định ở trạng thái trung gian nhưng nghiêng về pha nóng của hiện tượng này. Khả năng duy trì trạng thái trung gian từ nay cho tới tháng 9/2018, từ tháng 10 có xu hướng chuyển dần sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng từ 60 - 70%.

Cũng theo dự báo, nhiệt độ trung bình trong 6 tháng cuối năm trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN), riêng các khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có xu hướng cao hơn 0,5 - 1,0 độ C so với TBNN. Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn còn có khả năng xuất hiện trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8, nhưng không gay gắt và không kéo dài.

Lượng mưa từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 8 và tháng 12/2018 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, riêng tháng 8 khu vực đồng bằng Bắc Bộ phổ biến cao hơn TBNN từ 15 - 25%. Tháng 9 đến tháng 11/2018 ở mức thấp hơn TBNN từ 15 - 30%. Các đợt mưa lớn nhiều khả năng còn xảy ra tập trung trong nửa cuối tháng 7 và 8/2018. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn TBNN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần