Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển chậm xuống phía Nam. Đến khoảng trưa và chiều nay (7/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Từ đêm nay ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ; gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3.
Từ đêm nay ở các tỉnh Bắc Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi trời chuyển rét; nhiệt độ thấp nhất phổ biến 17 - 20 độ C, vùng núi phía Bắc 15 - 17 độ C. Thời tiết Hà Nội từ chiều tối nay (7/11) có mưa rào và dông; từ đêm nay trời chuyển lạnh, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18 - 20 độ C.
Ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển QĐ Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Dự báo, trong 1 - 2 ngày tới ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển QĐ Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trong khi đó, theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, vào hồi 17h19’41”, ngày 6/11/2018, một trận động đất có độ lớn 3.9 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.167 độ Vĩ Bắc, 102.994 độ Kinh Đông), độ sau chấn tiêu khoảng 8km. Động đất xảy ra tại huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên.
Đây là trận động đất xuất hiện khá lâu sau chuỗi các rung chấn diễn ra trong khoảng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trước đó, có 6 trận đất động đất cường độ từ 2,5 độ richter đến 4,3 độ richter xảy ra vào các ngày 8/1, 9/1, 2/2, 9/2 trên địa bàn các huyện Điện Biên Đông, Mường Ảng và khu vực biên giới Việt Nam - Lào (cách huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên khoảng 7 đến 8 km).
Lý giải về việc tỉnh Điện Biên thường hay xảy ra động đất, ông Nguyễn Thái Sơn - Trạm trưởng Trạm Quan sát động đất TP Điện Biên Phủ (Viện Vật lý địa cầu) cho biết: Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 2 vết đứt gãy địa chấn lớn là đứt gãy Lai Châu - Điện Biên khoảng vài trăm km thường xuyên hoạt động, và đứt gãy thứ 2 là Sông Mã (Sơn La) - Tuần Giáo (Điện Biên) - Lai Châu. Do vậy các năm trở lại đây và những năm về trước, trên 2 vết đứt gãy này thường xuyên hoạt động sinh ra các chấn động, dư chấn ở mức độ vừa phải và yếu.
Một nguyên nhân nữa, tại khu vực Tây Bắc có 3 thủy điện lớn nhất cả nước gồm: Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu. Khi các nhà máy thủy điện này thực hiện tích nước lòng hồ đã gây ra các trận động đất kích thích, dư chấn đến vùng Điện Biên. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Sơn, những trận động đất kích thích thường không lớn, không đủ sức gây ảnh hưởng, hư hại đến người và tài sản của nhân dân.