Để ứng phó với bão số 2, UBND TP Hải Phòng đã thành lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Sở Giao thông vận tải TP đã thông báo đình chỉ các hoạt động vận tải khách đường thủy nội địa, và các bến khách ngang sông từ 12h ngày 3/7/2019. Đình chỉ các hoạt động, các phương tiện phà tại bến Bính, Gót - Cái Viềng, Gia Luận, Dương Áo, Lại Xuân, Quang Thanh, Máy Chai từ 15h ngày 3/7/2019. Đóng cầu phao Hóa khi có gió từ cấp 8 trở lên.
Cùng với đó, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các phương tiện vận tải đường thủy nội địa, phà, đò, lồng bè hoạt động trong thời gian có bão số 2.
Trong khi đó, tính đến trưa 3/7, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh) đã thông báo cho các nghiệp đoàn nghề cá, tổ đội sản xuất và các chủ tàu đang hoạt động xa bờ biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh.
Hiện nay, số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ninh đăng ký hoạt động là 8.460 tàu, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ số lượng 258 chiếc. Đến nay, toàn bộ số tàu xa bờ đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão và đã di chuyển về đỗ tại các khu neo đậu, tránh trú an toàn.
Đối với tàu thuyền gần bờ (8.202 chiếc) cũng đã nhận được thông tin về tình hình cơn bão số 2. Hiện các tàu, thuyền đã về neo đậu tại các bến cá, khu nuôi thủy sản trên biển, bến sông, khu tránh trú bão của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và bến Cát Bà, Đồ Sơn (TP Hải Phòng).
Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã tạm dừng cấp phép đối với tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo từ 11h, riêng tàu ra đảo Cô Tô đã tạm dừng cấp phép từ 6h, ngày 3/7. Hiện toàn tỉnh có 9.663 ô lồng nuôi thủy sản, tập trung tại các vùng trọng điểm (Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long), Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương thông tin, hướng dẫn các chủ lồng phương pháp chằng chống, gia cố. Các địa phương cũng đang tổ chức di chuyển người già, trẻ nhỏ vào bờ, dự kiến hoàn thành công tác này vào 18h, ngày 3/7.
Tại các tỉnh ven biển khác (Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa...) chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó chú trọng bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình đê điều, nhất là các trọng điểm đê kè xung yếu. Rà soát nhà yếu trong khu vực dân cư, sơ tán nhân dân ở những nơi không an toàn như nhà tạm, nhà tầng xuống cấp đến nơi an toàn. Chủ động các phương án tiêu úng bảo vệ lúa mùa mới cấy và diện tích cây màu, các khu vực thấp trũng, khu dân cư, đô thị, hạn chế ngập úng xảy ra; tổ chức chằng chống, bảo vệ an toàn các công trình đang thi công; bảo vệ sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp, hoàn thành trước 16h ngày 3/7. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, chiều nay bão số 2 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ. Ở trạm Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 7 (15m/s), giật cấp 9 (21m/s); ở trạm Cô Tô có gió giật mạnh cấp 8. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to 50 - 100mm/12 giờ.
Hồi 13h ngày 3/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 130km, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.