Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tổ chức cá cược xâm nhập khán đài để quảng cáo thương hiệu!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Ban tổ chức (BTC) giải V-League đã ra một văn bản xưa nay chưa từng thấy, đó là cảnh báo các đội bóng về việc các trang cá độ bóng đá đã xâm nhập khán đài sân vận động để… quảng cáo thương hiệu!

Việc các tổ chức cá cược bóng đá tấn công vào V-League không phải là chuyện mới, nhưng cách nhập cuộc táo bạo của họ thông qua việc công khai xuất hiện trên khán đài mỗi trận đấu của giải đấu quốc nội khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Người hâm mộ Hải Phòng trong một trận đấu bóng V-League 2016.
Người hâm mộ Hải Phòng trong một trận đấu bóng V-League 2016.
Cách đây không lâu, Hà Nội T&T và một số đội bóng khác nhận được đề nghị từ một số trang cá cược bóng đá nước ngoài được tài trợ trang thiết bị cổ vũ cho cổ động viên (CĐV) ở trên khán đài. Thông thường, nếu có một đơn vị đồng hành cùng CĐV trong mỗi trận đấu là điều rất hiếm và nếu có thì thật đáng mừng. Bởi lẽ, trong nhiều năm qua, các đội bóng đã phải chi không ít tiền cho hội CĐV nhằm tạo không khí cuồng nhiệt trên khán đài. Ấy vậy nhưng trước đề nghị bất ngờ từ các nhà cái, ban lãnh đạo Hà Nội T&T đã phải khước từ vì sợ mang tiếng và không kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, ngay cả khi không được chấp nhận thì đại diện các trang cá cược bóng đá vẫn mua vé vào sân để phát đồ cổ vũ như một cách để quảng bá thương hiệu của mình.

Trước khi mùa giải 2016 diễn ra, VFF đã ký hợp tác với Sport Radar. Đây là công ty chuyên cung cấp dịch vụ cảnh báo về cá độ bóng đá. VFF hy vọng, bằng kinh nghiệm và khả năng của mình, Sport Radar sẽ có những cảnh báo về dòng tiền, xu hướng đặt cược và cả những thông tin về cá độ bóng đá để BTC giải, các đội bóng có phản ứng kịp thời nhằm bảo vệ cuộc chơi khỏi sự tác động từ hậu trường. Sau 8 vòng đấu, đại diện từ BTC giải cho biết là Sport Radar vẫn đang đặt các trận đấu của V-League và giải hạng Nhất quốc gia trong tầm ngắm…

VFF đã có những bước đi chủ động và thậm chí là đột phá nhằm bảo vệ cuộc chơi. Nhưng cần phải nhấn mạnh là sự phức tạp của giải đấu nằm ở chặng cuối mùa giải khi các đội bóng đã ngã ngũ thứ hạng hoặc cần điểm để trụ hạng hay vô địch. Khi ấy, tâm lý “làm kinh tế” sẽ trỗi dậy và trong bối cảnh các đường dây cá độ đang nỗ lực phủ bóng lên V-League thì sự phức tạp có thể xảy đến.

Thêm một điều mà giới chuyên môn đang cảnh báo là môi trường bóng đá Việt Nam hoàn toàn khác với các nền bóng đá phát triển. Tiêu cực (nếu có) của bóng đá Việt Nam cũng có những đặc điểm khác biệt. Ở đó, dòng tiền có thể không xuất hiện bởi người ta làm sai lệch kết quả trận đấu không để hưởng lợi về vật chất. Những “liên minh ma quỷ”, hiện tượng “tình thương mến thương” vẫn là một thách thức khó lòng giải quyết với các nhà quản lý bóng đá. Vậy nên, để bảo vệ cuộc chơi đòi hỏi BTC giải, các đội bóng phải có những bước đi chủ động thay vì phó thác cho một công ty nước ngoài vốn hoạt động một cách lập trình lý tính.