Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trận đánh đồi A1 qua hồi ức của người lính thông tin

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 70 năm đã trôi qua nhưng những tháng ngày trực tiếp chiến đấu ác liệt trên đồi A1 luôn in đậm trong ký ức của người cựu chiến binh thông tin liên lạc Đoàn Kim (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Bảo đảm thông tin liên lạc chính xác, kịp thời

Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tiến công điển hình có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng quân binh chủng. Vì vậy, nhiệm vụ của bộ phận thông tin vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải bảo đảm tính an toàn, bảo mật, bảo đảm thông tin liên lạc chính xác và kịp thời. 

Cựu chiến binh Đoàn Kim (thứ 2 từ phải sang) tham gia buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do quận Thanh Xuân tổ chức
Cựu chiến binh Đoàn Kim (thứ 2 từ phải sang) tham gia buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do quận Thanh Xuân tổ chức

Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ thông tin liên lạc Đoàn Kim thuộc Đội Điện thanh (Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) nhiều lần trực tiếp chiến đấu trên đồi A1. 

Theo lời kể của cựu chiến binh Đoàn Kim, trong những ngày cuối tháng 3/1954, các chiến sĩ Trung đoàn 174 tranh thủ tập luyện vào ban ngày, còn ban đêm thì tập trung đào giao thông hào. Trung Đoàn 174 có nhiệm vụ đào giao thông hào từ cánh đồng Long Bua nối liền với giao thông hào của Đại đoàn 312 từ cầu Mường Thanh đến; đồng thời nhận nhiệm vụ tấn công đồi A1. 

Đội Điện thanh phân ra 5 tổ mang theo máy bộ đàm bám sát và bảo đảm thông tin thông suốt từ chỉ huy sở Trung đoàn xuống các Tiểu đoàn. Tối 30/3/1954, Trung đoàn 174 được lệnh xuất kích tấn công đồi A1. 

“Tôi và đồng chí Sơn mang máy bộ đàm theo sát Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn An tại chân đồi A1, ngay từ lúc xuất kích đã gặp mưa to, sấm chớp ầm ầm dưới làn bom đạn đại bác của địch bắn vào quân ta. Giao thông hào đầy bùn đất, hai chúng tôi lập tức cởi áo che bọc bảo vệ máy lại bảo đảm thao tác máy giữ vững thông tin liên lạc truyền lệnh xuống Tiểu đoàn 249 (Trung đoàn 174) tấn công đồi A1, tuy nhiên đường truyền bị gián đoạn do đồng chí Lưu liên lạc với máy của tôi hy sinh” - cựu chiến binh Đoàn Kim nhớ lại. 

Cựu chiến binh Đoàn Kim tại cuộc gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do TP Hà Nội tổ chức

Ngay lập tức, chiến sĩ Đoàn Kim lao lên tìm và thay thế, quân ta đang tấn công địch ở trên đồi A1 vô cùng ác liệt, điện thoại dây không bảo đảm thông tin thông suốt từ Trung đoàn xuống các Tiểu đoàn, trong khi địch liên tục phản kích quân ta. Trung đoàn 174 có nhiều chiến sĩ bị thương vong (Đội Điện thanh có 2 người hy sinh và 2 người bị thương nặng) nhưng vẫn chiếm được một phần đồi A1 và bắt sống hơn 200 lính Âu - Phi vào đêm 30/3/1954. 

Sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc quyết sinh

Theo lời kể của cựu chiến binh Đoàn Kim, sáng 31/3/1954, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) còn một bộ phận phối hợp với Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) tiếp tục tấn công đồi A1. Quân ta với quân địch giằng co từng góc chiến hào.

Khi xung phong trên đồi A1, chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi (Trung đoàn 102, Đại đoàn 308) vừa chiếm được công sự hỏa điểm của địch thì bị bao vây. Chu Văn Mùi và các thương binh bị địch bao vây đã liên lạc qua sóng điện với máy của chiến sĩ Đoàn Kim tại sở chỉ huy Trung đoàn 174 ở chân đồi A1. 

Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Thanh Xuân thăm Di tích đồi A1 - Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, triển khai mô hình “Dân vận khéo” năm 2024 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn quận Thanh Xuân”
Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Thanh Xuân thăm Di tích đồi A1 - Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, triển khai mô hình “Dân vận khéo” năm 2024 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn quận Thanh Xuân”

Liên tục bị địch tấn công, có xe tăng, máy bay yểm trợ, Chu Văn Mùi cùng hơn 20 thương binh đã đánh trả quyết liệt; đồng thời gọi điện chỉ điểm cho pháo ta bắn, đồng thời cùng với các thương binh chiến đấu tiêu diệt địch. 

“Trong lúc nguy cấp, Trung đoàn trưởng 174 (Đại đoàn 316) Nguyễn Văn An 2 lần ra lệnh cho chiến sĩ Chu Văn Mùi phá máy. Tuy nhiên, với sự mưu trí, dũng cảm, Chu Văn Mùi đã mang được máy cùng các thương binh thoát khỏi sự bao vây của địch, an toàn trở về đơn vị” - cựu chiến binh Đoàn Kim nhớ lại. 

Theo cựu chiến binh Đoàn Kim,  góp phần đưa quân đội ta đại thắng tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 chính bởi tinh thần đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau, cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ, mưu trí, chịu được gian khổ, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ. Trong suốt chiến dịch, quân ta luôn chiến đấu với tinh thần anh dũng dưới mưa bom, bão đạn của địch.

Nhiều tấm gương điển hình như Chu Văn Mùi, Bế Văn Đàn… tự nguyện xông lên chỗ ác liệt nhất để chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc quyết sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. 

Các trận đánh đồi A1 qua hồi ức của người lính thông tin - Ảnh 1