Các trung tâm học tập cộng đồng luôn sáng đèn

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã phát huy hiệu quả rất tốt cho việc học nói chung. Đến nay, toàn TP Hà Nội có 584 TTHTCĐ, phủ kín 100% phường, xã, thị trấn.

Sáng nay 1/7, Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyên đề Dân vận khéo trong vận động xây dựng quỹ khuyến học; Hội Khuyến học phối hợp hoạt động để nâng cao chất lượng TTHTCĐ và sơ kết công tác khuyến học 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
 Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động tại TTHTCĐ ở Hà Nội. Ảnh: Internet.
Nhận xét về hoạt động của TTHTCĐ, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, khảo sát thực tiến cho thấy, có những nơi phát huy được vài trò của TTHTCĐ thì đây thực sự là nơi học tập cho người lớn. Hoạt động của các trung tâm phong phú về nội dung, đa dạng về đối tượng người học và lúc nào cũng sáng đèn, hoạt động tấp nập.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Văn Xa cho hay, các TTHTCĐ đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, hầu hết các TTHTCĐ thường xuyên liên kết với ban ngành đoàn thể của địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động. Các trung tâm cơ bản bám sát yêu cầu học tập của đối tượng người học trên địa bàn. Đồng thời, cập nhật kịp thời những nội dung mới vào chương trình học để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đối tượng học ở xã, phường, thị trấn.

Trong năm 2015, toàn TP Hà Nội đã có 822.000 lượt người tham gia học tập, bồi dưỡng, tập huấn theo các chuyên đề ở các TTHTCĐ. Các chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục pháp luật, thời sự, chính trị xã hội; đất đai, thuế; giải phóng mặt bằng; Luật An toàn giao thông, Luật Dân sự, bình đẳng giới.

Các TTHTCĐ còn thực hiện chương trình xoá mù chữ, văn minh đô thị, giao tiếp ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Hay, chương trình giáo dục bảo vệ môi trường, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ, giáo dục phát triển kinh tế.

Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, toàn TP có gần 910.000 lượt người tham gia học tập, bồi dưỡng, tập huấn tại 584 TTHTCĐ, bình quân mỗi trung tâm có 1,558 lượt người tham gia.

“Tuy vậy cũng có những nơi TTHĐCĐ hoạt động chưa hiệu quả. Các thiết chế ở đó không phát huy được, thậm chí trống vắng, tù túng trong hoạt động” – bà Ngọc Minh nhận định. Những hạn chế được Hội Khuyến học Hà Nội chỉ ra đó là một số cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể chính trị xã hội cấp cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm và tạo điều kiện cho các TTHTCĐ hoạt động. Cụ thể, huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ba Vì 100% xã không có thư viện, máy tính, internet. Huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên chưa được cấp kinh phí cho hoạt động TTHTCĐ. Nội dung, chương trình, chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ chưa đồng đều, một số nơi còn mang tính hình thức dẫn đến hiệu quả không cao.

Để khắc phục vấn đề này, cùng với sự quan tâm của UBND các cấp, bà Ngọc Minh cho rằng, nội dung và đối tượng học phải phong phú, đa dạng. Muốn làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các ngành đoàn thể, nhất là phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên... Nhưng, người tổ chức hoạt động phải có cách lôi cuốn người đến học và chia lớp học thành các chuyên đề thiết thực thì người ta mới gắn bó.