Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường cao đẳng sư phạm đi về đâu?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng giáo sinh thất nghiệp tiếp tục tăng khiến nhiều trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) càng khó tuyển sinh.

Tình trạng này kéo dài, rất có thể nhiều trường CĐSP sẽ phải đóng cửa vì không có người học.
Nhiều trường gặp “bão”
Sáng 9/11, tại buổi tọa đàm "Vai trò của các trường CĐSP trong những năm tới", TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường Đại học (ĐH) và CĐ Việt Nam thông tin: Mặc dù biên chế giáo viên (GV) có tăng, đạt gần tới tiêu chuẩn của các nước phát triển về tỷ lệ học sinh/GV nhưng tình trạng giáo sinh thất nghiệp lại tăng mạnh. PGS.TS Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội đã dự báo đến năm 2020, Việt Nam thừa khoảng 70.000 GV, bao gồm 41.000 GV tiểu học, 12.200 GV THCS, 16.900 GV THPT.

Một giờ học của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư.  Ảnh: Minh Trường

Trước thực tế này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất: Chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu đào tạo; sắp xếp lại những trường thuộc diện dôi dư. Đây là đề xuất đáng lo ngại đối với sự tồn vong của các trường CĐSP. Bởi thực tế, các trường CĐSP đang rất khó khăn trong nguồn tuyển, thậm chí có nhiều ngành (Văn, Sử, Địa, Hóa, Lý...) không có người học. Trong khi đó, sinh viên (SV) lại không yên tâm học bởi tốt nghiệp CĐSP tỉnh không được tuyển vào công chức Nhà nước. Hơn nữa, đến năm 2020, GV tiểu học phải có trình độ ĐH. Vì thế, tình trạng SV trúng tuyển CĐSP, học một học kỳ rồi xin bảo lưu kết quả để đăng ký xét tuyển ĐH khác tiếp tục tăng. Hiệu trưởng trường CĐSP Bình Phước Nguyễn Thanh Phú than phiền: "Đào tạo sư phạm đang trải qua cơn bão với nhiều sóng gió. Tuyển sinh đầu vào đã khó; tuyển được rồi, đào tạo thế nào cũng không dễ dàng. Nhiều GV, giảng viên được đào tạo có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ do không có việc làm dẫn đến không an tâm với công việc, xin chuyển đi các tỉnh khác... Chất lượng đầu vào không cao khiến việc tiếp cận với các phương pháp học tập của SV còn rất nhiều hạn chế. Việc tổ chức các hoạt động dạy và học trên lớp cũng gặp khó khăn".
Ngoài chất lượng đầu vào thấp, khó tuyển sinh, nhiều trường CĐSP còn lúng túng không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới. Hiệu trưởng trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu Hồ Cảnh Hạnh thẳng thắn: Trường sư phạm thuộc giáo dục nghề nghiệp nhưng lại trực thuộc sở GD&ĐT bị coi là trường phổ thông cấp 4. Khi trường CĐSP có việc cần sở GD&ĐT giải quyết chỉ vài tiếng là xong, nhưng bị lòng vòng phòng này sang phòng khác mất vài ba tuần. Khi sở GD&ĐT quản lý, các chỉ số liên quan cũng thay đổi theo hướng bất lợi cho các trường CĐSP như hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế và tài chính bị hạn chế...
Chuyển hướng hoạt động
 Tuy đang đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động chuyên môn cũng như vị thế bị hạ thấp, nhưng nhiều chuyên gia đề nghị giữ nguyên vai trò "máy cái" của các trường CĐSP. "Trường CĐSP phải là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tại địa phương và là trung tâm văn hóa, khoa học sư phạm của tỉnh" - TS Hồ Cảnh Hạnh đề xuất. Để thực hiện sứ mạng này, cần phải phân tầng đào tạo. Theo đó, ĐHSP đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH là chủ yếu, chứ không thể tuyển sinh từ bậc thấp đến cao; trường CĐSP đào tạo theo chuẩn của mình.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trước xu hướng chuẩn hóa trình độ đào tạo GV đạt trình độ cử nhân; chương trình và sách giáo khoa thay đổi theo hướng tích hợp và phân hóa đòi hỏi các trường CĐSP đào tạo GV đáp ứng được năng lực đó. Thời kỳ hội nhập, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai, vì thế các trường CĐSP cũng phải đào tạo GV dạy các môn bằng tiếng Anh. Trước tình cảnh khó khăn của các trường CĐSP, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thúy Hồng cho biết: Bộ GD&ĐT đang tư duy và có đề án làm dần từng bước. Hiện nay, GV thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa. Từ nay đến năm 2020, phải đào tạo mới nhiều GV mầm non và tiểu học. "Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ quản lý đội ngũ theo hướng chất lượng đạt chuẩn nghề nghiệp. Sẽ có khung năng lực cho các trường sư phạm, hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp".
Từ kinh nghiệm của quốc tế, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam kiến nghị: Thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường ĐHSP/ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐHSP địa phương, các trường/khoa CĐSP địa phương. Bộ GD&ĐT quy định nội dung cứng của chương trình đào tạo GV để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh của cả hệ thống.