Các ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2017

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, do lo ngại về chương trình hạt nhân Triều Tiên, những người có công đàm phán trong chương trình nguyên tử dân sự của Irancó khả năng được xướng tên.

Giải Nobel Hòa bình 2017 sẽ được công bố tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 6/10. Năm nay, ứng cử viên cho giải có 215 cá nhân và 103 tổ chức - lớn thứ nhì trong lịch sử giải này.
Vì quy trình đề cử được giữ bí mật nên danh tính chủ nhân giải Nobel Hòa bình luôn được chờ đợi đến phút cuối. Theo truyền thông quốc tế, năm nay, do lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhiều khả năng các nhân vật có công đàm phán trong chương trình nguyên tử dân sự của Iran có nhiều cơ hội được xướng tên.
 Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif. 
Đó là bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu (EU) và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif.
Ngoài ra, chính sách tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel được các tổ chức nhân quyền đánh giá cao cũng giúp Thủ tướng Đức trở thành một trong những ứng viên sáng giá cho giải thưởng Nobel Hòa bình 2017. 
 Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng được dự đoán là sẽ giành giải Nobel Hòa bình.
Cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và 316 tổ chức cá nhân khác, tổ chức những tình nguyện viên Mũ bảo hiểm trắng (White Helmets) cũng được đưa vào danh sách bởi các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân trong cuộc ở nội chiến ở Syria. 
 Các tình nguyện viên của nhóm Mũ bảoo hiểm trắng.
Những tình nguyện viên của nhóm Mũ trắng vốn là thợ làm bánh, dược sĩ, thợ mộc, nhân viên bán hàng... Họ không phải là những nhân viên cứu trợ chuyên nghiệp nhưng đã mạo hiểm tính mạng mình để tham gia cứu trợ nhân đạo cho những nạn nhân trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm.
 Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena.
Bên cạnh đó, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải tổ bộ máy nhà nước nhằm chống lại nạn tham nhũng và tái thiết đất nước sau thời kỳ xung đột kéo dài hơn 2 thập kỷ khiến hàng nghìn người thiệt mạng, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cũng là một trong những ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2017. Chính quyền của ông Sirisena đã đề xuất một loạt các cơ chế nhằm cải thiện việc điều hành đất nước và tiến trình hòa giải dân tộc. 

Giải thưởng Nobel Hòa bình vinh danh những người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình hữu nghị giữa các quốc gia, giải trừ hoặc hạn chế lực lượng vũ trang, tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình.