Cách bài trí bàn giờ gia tiên vào ngày Tết chuẩn phong thủy

Lan Anh/Tiêu dùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Chính vì vậy nên mỗi dịp Tết đến Xuân về, gia đình nào cũng cố gắng lau dọn và sắp xếp bàn thờ một cách bài bản, khang trang nhất. Dưới đây là cách bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết hợp phong...

Bàn thờ ngày Tết gồm những gì?

Bày bàn thờ Tết không được qua loa, đại khái, ít nhất cũng vì tính thẩm mỹ tổng thể, kế nữa là yếu tố phong thủy. Khi bài trí bàn thờ nói chung và bàn thờ Tết nói riêng, có hai loại đồ không thể thiếu là đồ thờ cúng và đồ trang trí ban thờ. 

Đồ trang trí:

– 02 cây nến hoặc 2 đèn dầu đặt hai bên bàn thờ, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng.

– 02 lọ hoa: Trong đó, một lọ đựng hương, lọ còn lại cắm hoa tươi (hoa cúc, cành đào, mai…) hoặc đựng cây vàng, cây bạc.

Đồ thờ cúng:

– 03 chén nước, 03 chén rượu.

– Hương (nhang), ưu tiên chọn hương vòng cháy lâu, thơm hơn.

– Mâm ngũ quả: Gồm 5 loại quả có ý nghĩa khác nhau, xuất phát từ lý thuyết Ngũ hành (Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ) – những yếu tố tạo nên vũ trụ cũng như sự vận hành của nó. 5 loại quả này tượng trưng cho mong ước Phú (giàu có) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên). Mâm ngũ quả ngày Tết sẽ khác nhau theo từng vùng miền. 

+ Mâm ngũ quả miền Bắc: Thường có những loại quả như bưởi, táo, lựu, lê, Phật thủ, cam/quất, chuối xanh…

+ Mâm ngũ quả miền Trung: Gồm các loại quả như xoài, bưởi, thanh long, dưa hấu, nải chuối, sung, lựu, táo, Phật thủ,…

+ Mâm ngũ quả miền Nam: Gồm các loại quả như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

– Mâm cỗ cúng gia tiên: Mâm cơm cúng gia tiên không thể thiếu đĩa xôi, thịt gà luộc, giò chả, bánh chưng cùng những món ăn đậm hương vị Tết khác.

– Vàng mã, trầu cau, rượu, thuốc lá cũng là những thứ được bày biện trên bàn thờ ngày Tết của các gia đình Việt.

Cách bày bàn thờ ngày Tết chuẩn phong thủy

Bày bàn thờ ngày Tết là việc sắp xếp, bài trí các loại đồ cúng, đồ trang trí trên bàn thờ sao cho đầy đủ, gọn gàng và hợp phong thủy bàn thờ. Tùy từng vùng miền nhưng nhìn chung việc bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết gồm những vấn đề cơ bản như sau:

– Bát hương: Gia chủ cắm cây nhang vòng lớn ở giữa, xung quanh cắm thêm các loại nhang khác. Có thể đặt 2 bát nhang nhỏ khác ở hai bên trái, phải của bát hương chính. Thường thì các gia đình chỉ có một bát hương, ba bát hương cho các bàn thờ lớn hoặc dòng họ.

– Đỉnh đồng (nếu có): Đặt ở trung tâm, ngay sau bát hương chính.

– Nến thơm, đèn dầu: Hai bên của 2 bát hương phụ thường là hai cây đèn dầu hoặc hai ngọn nến (thơm).

– Hạc đồng, lọ hoa, chân nến: Đặt ở hai bên bàn thờ ngày Tết. Thường sử dụng hoa cúc, hoa đào, mai, lay ơn để cắm ngày Tết.

– Mâm ngũ quả: Đặt phía trước bát hương.

– Ấm chén, li nước: Đặt song song ngang hàng hoặc ngay phía dưới mâm ngũ quả.

– Lễ vật dâng cúng: Gồm vàng mã, giấy áo, bình rượu ngon, xung quanh bày thêm bánh trái, mứt để tạo sự cân đối cho bàn thờ.

– Mâm cỗ cúng gia tiên: Được bày biện chu đáo và đẹp mắt với những món ăn ngày Tết cổ truyền như bánh chưng, bánh tét, gà luộc, đĩa xôi, chả giò, nem cuốn, cơm canh… Mâm cỗ này thường có nhiều món nên không đủ chỗ bày biện trên cao mà đặt ngay phía dưới bàn thờ.

Khi cúng Tất niên và cúng hóa vàng tiễn tổ tiên ngày Tết, sau khi tàn hương thì con cháu dọn đồ cúng xuống thưởng thức. Riêng với hoa quả sẽ để lại trên bàn thờ khoảng 1-2 ngày sau mới hạ xuống.

Những điều cần kiêng kỵ khi trang trí bàn thờ ngày Tết ai cũng cần biết

Khi trang trí bàn thờ ngày Tết, bạn sẽ phải dọn và trang trí đồ thờ nên cần phải nắm được những điều kiêng kỵ. Tránh để mắc những điều kiêng kỵ có thể ảnh hưởng đến gia tiên, bàn thờ nhà bạn. 

Bát hương luôn cần đặt chính giữa bàn thờ, kiêng kỵ xê dịch

Bát hương được coi là tinh tú quan trọng trên bàn thờ, chính vì thế phải luôn được đặt chính giữa. Tránh xê dịch có thể làm ảnh hưởng đến âm vong của người mất. Trên bát hương sẽ được cắm một cây trụ để có thể cắm hương vòng. Hương vòng sẽ được tượng trưng cho vũ trụ. 

Hai bát hương con đặt 2 bên tượng trưng cho tư thế tam tài, đón tài lộc. Không thể thiết 2 cây dầu hoặc nến để 2 bên để tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Bạn có thể tưởng tượng như là một vũ trụ trên trời theo phong thủy. Sẽ rất thuận theo quy luật. Nếu bạn thay đổi các vị trí đó nhất là vị trí bát hương cần phải làm lễ để không bị động thổ. Tốt nhất không nên xê dịch bát hương để tránh gặp phải những tai ương nếu đặt không đúng vị trí. 

Bát hương nên được làm từ nguyên liệu sứ

Bát hương thường sẽ làm bằng sứ để tránh hương đốt nóng không làm ảnh hưởng và vững chắc. Ngoài ra, bát hương có thể làm bằng đồng cũng rất bền và chắc chắn.

Bát hương tổ tiên có loại có tay cầm và có loại không có tay cầm. Tốt nhất nên dùng loại có tay cầm để khi đặt được dễ dàng hơn.

Khi lau bàn thờ tuyệt đối không được xê dịch bát hương

Khi lau bát hương bạn nên dùng khăn sạch ẩm, có thể ngâm nước gừng hoặc rượu rồi mới lau. Trước khi lau bát hương cần phải rút chân hương nếu quá nhiều. Các chân hương cần phải được hóa đốt sau đó rắc xuống sông để tạo sự tôn trọng. Bạn nên rút từng cây một để tránh làm xô đẩy các cây còn lại. Chỉ nên để lại khoảng 9 cây hương là được. 

Cần chú ý khi mua và bày đồ cúng lễ

Các đồ cúng lễ cần phải lên danh sách trước để tránh bị thiếu. Các đồ cũng có thể gồm: rượu, hoa quả, vàng mã, xôi, cỗ mặn, một chén nước tinh khiết ( có thể là nước khoáng hoặc là nước mưa). Nước mưa sẽ tốt hơn vì mang ý nghĩa tâm linh cho sự trong sạch, tinh khiết. 

Nếu trường hợp cần gấp không kịp sắm đủ đồ lễ cần có một chén nước mưa, một nén hương để thể hiện sự trang trọng. Nhất thiết trên bàn thờ phải có thắp đèn dầu hoặc nến. Khi thắp hương bao giờ cũng phải theo số lẻ, không được thắp số chẵn. 

Tránh bày hoa, trái cây giả lên bàn thờ

Việc sử dụng trái cây và hoa giả cho bàn thờ có thể giúp tiết kiệm chi phí, nhưng theo các chuyên gia phong thủy, điều này không tốt bởi không thể hiện được sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Thay vào đó nên dùng hoa tươi, trái cây tươi sạch sẽ, thơm ngon và phù hợp để bày biện lên bàn thờ.

Thỉnh thoảng nên lau dọn và thắp hương

Lau dọn bàn thờ là việc rất quan trọng thể hiện sự thành kính, biết ơn với ông bà, tổ tiên đã khuất. Bàn thờ nên đặt hướng ra cửa chính ra vào. Đèn bàn thờ nên bật sáng để thu hút năng lượng, đem lại tài lộc cho gia chủ. 

Khăn lau bàn thờ cần phải dùng riêng, vệ sinh thật sạch

Cả khăn và chổi lau dọn bàn thờ phải được để riêng, không dùng chung. Vì bàn thờ là nơi thiêng liêng, cao quý cần được kiêng kỵ, tránh uế tạp làm ảnh hưởng đến tổ tiên. Quan niệm này đã từ rất lâu, để tránh mắc phải những sai lầm khi lau dọn bàn thờ bạn nên chú ý điều này

Chú ý vị trí đặt bàn thờ ngày Tết

Nhiều người nhầm tưởng hướng bàn thờ ra cửa sẽ đón tài lộc là đặt bàn thờ chính đối diện cổng ra vào. Thực tế không phải vậy, ở đây là hướng ra ngoài cửa, có thể là cửa sổ. Còn cửa ra vào tuyệt đối không nên để bàn thờ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tài lộc, nhân đinh của gia đình. 

(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!