Cách bảo quản và sử dụng trứng gà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trứng là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng mà lại không khó để chế biến.

Để có thể một món trứng ngon và bảo đảm an toàn cho sức khoẻ của bạn và gia đình thì ngoài sự khéo léo bếp núc của người nội trợ, việc bảo quản trứng và sử dụng trứng an toàn ngay từ ban đầu cũng đóng một vai trò rất quan trọng.

Từ việc cất giữ, bảo quản đến chế biến trứng, dù là món đơn giản như trứng luộc, cũng cần những bí quyết nho nhỏ mà không phải bà nội trợ nào cũng biết.

Không cho mì chính khi rán trứng vì bản thân trứng gà có rất nhiều a xít amin giống như mì chính. Rán trứng gà cho mì chính không những lãng phí mì chính mà còn phá đi vị tươi ngon thiên nhiên của trứng gà.

Không đặt trứng nằm ngang khi bảo quản vì với trứng gà tươi mới, nếu đặt nằm ngang sẽ dễ sinh "lòng đỏ dính vào vỏ trứng" bởi vì độ đậm đặc của lòng trắng trứng gà tươi mới có thể giữ một cách hiệu quả cho lòng đỏ trứng gà nằm ngang cố định ở giữa lòng trắng. Bảo quản lâu dài, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài cao, chất niêm dịch của lòng trắng trứng bị tác dụng của dung môi lòng trắng có thể dần dần làm cho một phần thủy phân bị thoát đi, làm mất cố định lòng đỏ trứng. Lúc này, nếu đặt quả trứng nằm ngang, do tỷ trọng của lòng đỏ nhẹ hơn lòng trắng nên lòng đỏ sẽ nổi lên, dựa sát vào vỏ trứng gây nên hiện tượng dính vào vỏ trứng.

1. Bảo quản:

Tủ lạnh là môi trường thích hợp để bảo quản trứng được lâu mà vẫn giữ được những vitamin cần thiết cho cơ thể. Trứng cũng cần được bảo quản cẩn thận như các loại thịt cá hay rau quả khác; nếu không, chúng sẽ là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh cho đường tiêu hoá như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy hay thậm chí là ngộ độc thực phẩm.

Trứng là loại thực phẩm rất dễ bị vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập. Một khi các loại vi khuẩn đã vào bên trong thì chúng sẽ nhanh chóng làm trứng bị “ung” và rất có hại cho sức khoẻ. Vì thế, bạn nên cố gắng lựa chọn trứng đã được lau sạch ngay từ lúc mua. Còn nếu không, hãy chắc chắn rằng các vết bẩn trên bề mặt vỏ trứng sẽ được bạn lau chùi sạch ngay sau khi bạn mua về.

Tuy nhiên, bạn đừng nên rửa trứng, vì khi vỏ trứng, khi bị ướt, sẽ tạo ra nhiều lỗ thủng mà mắt thường không thể nhìn thấy, nhưng cũng đủ để các vi khuẩn xâm nhập vào trong. Giấy ăn hoặc một chiếc khăn mỏng và mềm sẽ rất thích hợp cho công việc lau trứng tỉ mỉ của bạn.

Vỏ trứng mỏng và rất dễ bị hỏng bởi các mùi khó chịu. Vì thế, tốt nhất là bạn nên bọc trứng trong giấy sạch hoặc giữ chúng trong thùng cốt– tông có nắp đậy cẩn thận để tránh tối đa sự tiếp xúc của các loại mùi khác nhau từ những thực phẩm khác trong tủ lạnh.

2. Sử dụng:

Với những quả trứng đã bị vỡ hoặc có hiện tượng nứt vỏ, đừng ngần ngại hay tiếc rẻ mà nên bỏ chúng đi ngay.

Những món ăn làm từ trứng hoặc có trứng đều nên nấu càng chín kĩ càng tốt, nhiệt độ cao sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại cho sức khoẻ tiềm tàng bên trong vỏ trứng.

Ngoài việc rửa sạch tay, bạn cũng nên chú ý lau chùi thật sạch sẽ nơi nấu nướng và các dụng cụ làm bếp sau khi nấu nướng các món trứng, và nhất là khi trứng chẳng may bị vỡ.

Thông thường, trứng rất ít khi gây ra những tác động xấu tới sức khoẻ con người. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị dị ứng nhất thời hoặc kinh niên với loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này. Điều này có thể xảy ra với bất cứ ai, phổ biến hơn cả là với trẻ em dưới 5 tuổi và thiếu niên. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn đối với phụ nữ mang thai, người già hay những người có hệ miễn dịch kém. Vì vậy, việc bảo quản và chế biến trứng đúng cách sẽ giúp giảm thiểu đáng kể những tác động xấu không mong muốn này.