Cách đóng bảo hiểm xã hội khi có 2 hợp đồng lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tôi có hợp đồng lao động (HĐLĐ) với một công ty và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hơn 5 năm. Đến ngày 12/7/2018, tôi có tham gia HĐLĐ với công ty thứ hai nhưng đến hết tháng 12/2018 tôi mới có ý định chấm dứt HĐLĐ với công ty thứ nhất. Cả 2 hợp đồng này đều có cam kết về tiền lương và đóng BHXH cho tôi. Vậy tôi muốn hỏi xử lý việc đóng BHXH trong thời gian lao động trùng với cả 2 công ty như thế nào, cả 2 cùng đóng BHXH cho tôi có được không? Tháng 7 tôi có 12 ngày đầu làm việc ở công ty cũ và từ ngày 12/7 lại có thêm hợp đồng với công ty mới thì trường hợp phải lựa chọn sẽ tham gia ở đâu?" - Nguyễn Minh Ngọc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

BHXH Hà Nội trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH quy định: Người lao động (NLĐ) không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Đồng thời, theo Khoản 4 Điều 85 Luật BHXH: NLĐ quy định thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH theo quy định đối với HĐLĐ giao kết đầu tiên. Khoản 2 Điều 43 Luật ATVSLĐ: Trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ đã giao kết nếu NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì NLĐ được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.

Như vậy, trường hợp bà Ngọc, việc đóng BHXH bắt buộc được thực hiện như sau: Tại tháng 7/2018 công ty cũ đóng với tất cả các chế độ về BHXH bắt buộc (bao gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất); trường hợp tồn tại 2 HĐLĐ đến hết tháng 12/2018 thì từ tháng 8/2018 đến tháng 12/2018 công ty cũ tiếp tục đóng BHXH với tất cả các chế độ BHXH bắt buộc, công ty mới sẽ đóng chỉ riêng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; từ tháng 1/2019 khi đã chấm dứt HĐLĐ với công ty cũ thì công ty mới sẽ đóng BHXH bắt buộc với tất cả các chế độ. Ngoài ra, theo quy định, với NLĐ có 2 HĐLĐ thì vẫn buộc phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở tất cả các hợp đồng. BHYT đóng theo hợp đồng có mức lương cao nhất.