Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách ly người nghi nhiễm nCoV tại nhà: Thay đổi nhận thức để chống dịch hiệu quả

Trần Thảo - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách ly theo dõi với người nghi ngờ bị nhiễm nCoV được các chuyên gia y tế khuyến cáo là giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đồng cảm với người trong cuộc
Cho đến nay, 2 cư dân người Trung Quốc trong số 5 trường hợp nghi nhiễm với nCoV tại một chung cư ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân có thể thở phào nhẹ nhõm sau 14 ngày tự cách ly tại nhà. Bởi trong thời gian cách ly, nhờ sự hỗ trợ, động viên tích cực từ phía gia đình, cơ quan đoàn thể địa phương, họ luôn giữ được tinh thần lạc quan, ý thức trách nhiệm cho bản thân và cộng đồng.
Đại diện Ban Quản lý tòa nhà tại một chung cư ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho biết, trong thời gian cách ly tại nhà, Ban Quản lý đã hỗ trợ mua sắm nhu yếu phẩm cho các trường hợp có nhu cầu. Đồng thời, hỗ trợ rác thải, tăng cường sát khuẩn khu vực chung các thiết bị của tầng và theo dõi nghiêm ngặt qua camera an ninh.
 Cán bộ phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) tuyên truyền, vận động người mới nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly y tế tại nhà. Ảnh: Hồng Thái
Tại quận Thanh Xuân, việc cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ đã được thực hiện khá tốt. Trong tổng số 45 trường hợp phải cách ly tại nhà trên địa bàn quận, Nhân Chính là phường có nhiều trường hợp nhất (22 người).
Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thị Nhung cho hay, các trường hợp này chủ yếu là người nước ngoài sống ở chung cư, có sự giám sát của Ban quản lý chung cư, Nhân dân và lực lượng chức năng. Hiện tại, 22 trường hợp cách ly đều có sức khỏe tốt.
Theo Giám đốc TTYT quận Thanh Xuân Đặng Thanh Phong, việc cách ly tại gia đình để theo dõi dành cho tất cả những người vừa trở về từ vùng có dịch là quy định bắt buộc trong công tác phòng, chống dịch, người dân không nên kỳ thị, xa lánh.
"Hiện nay, toàn bộ trường hợp được cách ly tại nhà trên địa bàn quận Thanh Xuân đều được cán bộ y tế quận, phường theo dõi sức khỏe hàng ngày. Đến nay, đã có 10 người ra khỏi danh sách cách ly, số còn lại sức khỏe tốt, không có biểu hiện bất thường” - ông Phong chia sẻ.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trên một số diễn đàn, Facebook, người dân bày tỏ lo ngại khi trên địa bàn Hà Nội có nhiều trường hợp phải cách ly y tế tại nhà. Đã có nhiều tin đồn họ bị nhiễm nCoV, thậm chí cả gia đình họ bị nhiễm nCoV…
Chia sẻ về các trường hợp cách ly, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, chỉ những trường hợp đi từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) về thì mới cách ly tập trung theo quy định. Ngoài tỉnh Hồ Bắc, những người dân đi từ 30 tỉnh còn lại của Trung Quốc cũng như các quốc gia khác cũng đều cách ly tại nhà.
“Việc cách ly tại nhà, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền phường. Bộ Y tế cũng đã có Hướng dẫn số 345 rất rõ, trong đó yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn và cộng đồng nơi có người được cách ly tạo điều kiện, động viên, chia sẻ, giúp đỡ gia đình người được cách ly. Chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ quy định" - ông Tuấn nêu rõ.
Việc cách ly tại gia đình để theo dõi áp dụng cho tất cả những người vừa trở về từ vùng có dịch là quy định bắt buộc trong công tác phòng, chống dịch. Những người này đều chưa có dấu hiệu nhiễm nCoV, người dân nên ủng hộ, động viên những người được cách ly thực hiện tốt các quy định khi phòng chống dịch. Đây cũng chính là việc làm đồng hành chống dịch hiệu quả, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.