Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách ly xã hội: Hiểu đúng để thực hiện nghiêm

Nguyên Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần nói rõ chủ trương cách ly toàn xã hội là hạn chế đi lại, nhưng chưa phải lệnh cấm và đóng băng hoạt động xã hội triệt để.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, một số địa phương lại hiểu chưa đúng các quy định trong Chỉ thị 16, kiểm soát “quá tay”, thậm chí gây ra hiện tượng “ngăn sông cấm chợ”, gây hoang mang trong người dân.
Thực tế những ngày vừa qua cho thấy, trên cơ sở hiểu đúng, vận dụng đúng tinh thần “cách ly toàn xã hội” của Chính phủ trong Chỉ thị 16, nhiều địa phương đã có những giải pháp, bước đi phù hợp để từng bước kiểm soát dịch bệnh, giãn cách xã hội, tránh lây lan trong cộng đồng. Nhưng vẫn có những địa phương nhận thức chưa thống nhất trước các chỉ đạo về cách ly toàn xã hội, dẫn đến những giải pháp gây phản ứng trong dư luận.
 Tuyến phố xung quanh Nhà hát lớn. Ảnh: Thanh Hải
Thậm chí, không ít địa phương do hiểu sai dẫn đến vận dụng sai cách ly toàn xã hội, đã rào chắn đường, hạn chế người dân đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, địa bàn này sang địa bàn khác, yêu cầu các phương tiện có biển số ngoại tỉnh không được vào địa bàn tỉnh…
Thậm chí một số tỉnh còn ra cả công văn, văn bản yêu cầu các ban ngành, địa phương tạm dừng việc di chuyển của người dân từ vùng có dịch về địa bàn và giải thích là dựa vào nội dung Chỉ thị của Thủ tướng và các quyết định công bố dịch. Có địa phương còn ngặt nghèo hơn khi giao UBND quận, huyện rà soát, áp đặt cách ly y tế tập trung với bất cứ ai đến từ vùng dịch.
Với người dân địa phương, muốn đi ngoại tỉnh phải có giấy phép của chủ tịch quận, huyện và nếu đi đến vùng có dịch thì mặc nhiên khi quay về sẽ phải đưa đi cách ly tập trung… Cách giải thích được đưa ra đều với mục tiêu là nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan của dịch bệnh, nên nếu người dân từ các tỉnh, thành đã có dịch đến địa bàn mà không có lý do đặc biệt thì đương nhiên phải tạm dừng đi.
Có thể thấy rằng, những giải pháp, cách làm ấy đều thể hiện sự lo lắng trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, mong muốn kiểm soát được triệt để nhất việc đi lại, cách ly để phòng ngừa. Nhưng việc làm “quá tay” đã vô tình tạo nên tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, khiến nhiều người dân thêm tâm lý bất an, lo lắng.
Trước thực tiễn đó, Chính phủ đã liên tục giải thích, thậm chí phê bình một số nơi hiểu sai, triển khai quá mức các biện pháp ngăn chặn chặn mang tính ngăn cấm, từ chối một số dịch vụ công… Hướng dẫn rất chi tiết về việc thực hiện Chỉ thị 16 cũng đã được ban hành để hiểu đúng hơn về cách ly toàn xã hội. Trong đó nhấn mạnh, đây là một tình huống pháp lý không trái pháp luật; mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, đi lại giữa các địa phương, chưa phải phong tỏa xã hội.
Rất mừng là sau đó, những bất cập, quá mức được phát hiện và điều chỉnh, nhiều tỉnh, TP đã chỉ đạo các địa phương để xảy ra tình trạng rào chặn lối đi lại của người dân phải gỡ bỏ, đồng thời vẫn bố trí sắp xếp tổ công tác làm nhiệm vụ kiểm soát y tế đối với người dân ra vào địa bàn theo đúng quy định.
Có thể thấy rằng, giải pháp cách ly xã hội đang phát huy hiệu quả, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng. Trong những ngày tới, hy vọng những gì cực đoan, chưa phù hợp, chưa khả thi sẽ tiếp tục được các địa phương nhận diện, điều chỉnh để có giải pháp phù hợp, đúng tinh thần Chỉ thị nhất.
Việc hiểu đúng, thực hiện nghiêm, không vận dụng sai tinh thần là vấn đề rất cần thiết lúc này, qua đó mới truyền tải được tinh thần quyết liệt trong thực thi đến mỗi người dân.