Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu trong cuộc cách mạng 4.0 và những cơ hội, thách thức lớn của ta là gì?
Cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 là ở sự tự tiến hóa của máy móc, tức là công nghệ đã cho phép chuyển từ những cỗ máy con người điều khiển sang cỗ máy tự hoạt động theo trí tuệ riêng của nó. Giờ máy gần như người, nhưng khác biệt là khi đủ mức trưởng thành, nó vừa có trí tuệ thông minh như con người, lại vẫn là một cỗ máy, xử lý công việc hầu như không sai sót mà năng suất, hiệu suất thì cực cao.
Ba thách thức lớnCâu hỏi đặt ra là nền tảng công nghệ mà Việt Nam đang có là gì và chúng ta có đón bắt được luồng gió mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? Có thể thấy, thời gian qua, ở đâu đó thứ tiên tiến nhất: Đó là trí tuệ nhân tạo; là công nghệ in 3D, công nghệ robot; là vật liệu mới như nano đã xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có mỗi thứ một ít mà không thứ nào đạt đến mức nắm bắt thực sự công nghệ 4.0. Và những khó khăn thì rất rõ ràng:
Thứ nhất, nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam phần lớn còn đang chưa hoàn thành trạng thái 2.0, tức vẫn ở dạng mông muội - người điều khiển máy đơn dùng và chưa có trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó ở một số hoạt động lại có những hệ máy tiến lên 3.0 nhưng không phải do chủ động về công nghệ mà do sự du nhập trong toàn cầu hóa và tính bắt buộc phải có, dẫn dắt theo dây chuyền sản xuất của thế giới. Nền sản xuất trở nên phân mảnh, đứt gãy và tạo sản phẩm đầu ra nhiều khiếm khuyết để rồi hàng hóa không có sức cạnh tranh.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Thứ hai, hầu như trong mọi ngành nghề, chúng ta sẽ vấp phải lựa chọn cực khó về thay đổi phương thức làm việc và trang thiết bị đi theo. Chúng ta buộc phải qua 3.0 trước với đặc trưng là xử lý công việc theo một hệ máy, kết nối với trái tim là một máy chủ được người điều khiển. Nhưng ngặt nỗi đây là việc quá khó, bởi lẽ sự khấp khểnh trong quy trình quản trị xã hội và DN. Trường hợp lạc quan nhất, nếu chúng ta đạt ngưỡng 3.0 so với trí tuệ nhân tạo chủ động của kỷ 4.0 thì thua rất xa, vì thế cạnh tranh tổng thể các mặt so với thế giới sẽ yếu.
Thứ ba, Việt Nam lâu nay trông chờ vào dòng vốn FDI với sự dịch chuyển công nghệ, vốn, và quản trị hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết các ngành nghề thu hút FDI là thâm dụng lao động, tài nguyên và chi phí rẻ như chi phí nhân công và ưu đãi thuế, đất đai. Bước lên 4.0, xu hướng các dòng vốn FDI sẽ quay đầu chảy về chính quốc để tận dụng sức mạnh của cách mạng 4.0 tại đó tốt hơn. Thế mạnh “nguồn nhân lực giá rẻ” rất có thể trở thành gánh nặng xã hội khi người lao động không có đủ sức cạnh tranh với những cỗ máy ngày càng thông minh và chi phí cực rẻ (nhiều dự báo có tới 86% lao động dệt may có thể mất việc vì cách mạng công nghiệp 4.0). Hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trở nên trầm trọng khi lực lượng lao động được phân định lạnh lùng lao động tri thức và lao động cơ bắp.
Tìm cơ hội trong khó khănKhó khăn là rất lớn, nhưng cơ hội cũng mở ra. Việt Nam có 50% dân số, đa số người trẻ đã phổ cập internet, hơn 55% đang sử dụng smartphone và trên 90% số này thường xuyên vào mạng xã hội. Chỉ cần giúp 1% trong số này đạt đến trình độ chuyên gia công nghệ hoặc trở thành nhà cung cấp, DN lớn trên thế giới ảo thì Việt Nam đã có nửa triệu động lực 4.0 hứa hẹn tạo ra hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.
|
Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm tại Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Những người Việt biết tận dụng sức mạnh của cách mạng 4.0 truy cập thế giới số, dùng sản phẩm công nghệ có thể làm giàu nhờ cung cấp từ xa cho khách hàng khắp thế giới các sản phẩm và dịch vụ tiện lợi như đặt chỗ, mua bán, thanh toán, vận tải... có sức cạnh tranh sáng tạo để vượt qua những đối thủ thế giới nhanh hơn cách truyền thống là cải thiện chất lượng, tốc độ hay giá cả.
Có thể nói, cơ hội là có, nhưng thách thức là nhiều hơn và sau đây là 3 nội dung Chính phủ cần quan tâm, triển khai:
Một là, Chính phủ cần tiên phong công bố và phổ biến chiến lược, chính sách quốc gia về cách mạng 4.0 và sử dụng công cụ chính sách để kích ứng sự thay đổi mạnh mẽ ở các DN. Khoa học công nghệ cần phải thực sự là “quốc sách hàng đầu” định hướng nghiên cứu vào và phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 chứ không phải như cách hiện nay ví như là dự kiến phân bổ một ngân sách ít ỏi khoảng 2%, phân bổ thực tế đâu đó khoảng 1,5% tổng chi ngân sách và cuối năm là lại chi không hết với các lý do muôn năm cũ. Các nhà khoa học, nhân tài công nghệ cần được tập trung, nghiên cứu trong một số tổ hợp khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, vừa nghiên cứu, vừa sản xuất kinh doanh và chỉ tập trung vào các công nghệ cốt lõi chính của 4.0 như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, robot…
Cần xác định đặc trưng cách mạng 4.0 cho Việt Nam là “thông minh” đồng thời ưu tiên các tiềm năng quốc gia như nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường,… Hãy học cách Uber làm vận tải thông minh bằng cách kết hợp công nghệ và kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn, du lịch phải gắn kết công nghệ số để bán và vận hành các chuỗi dịch vụ; để giới thiệu, quảng bá ra thế giới... rồi y tế thông minh, giao thông thông minh và đô thị thông minh…
Hai là, nền kinh tế Việt Nam cần một số điều chỉnh như sửa lại cơ cấu, thể chế thị trường và hệ thống tài chính. Chiến lược chung là hướng vào dịch vụ, thậm chí chủ đạo hơn công nghiệp. Đó là dịch vụ du lịch, logistic, tài chính, bảo hiểm chú trọng mở ra toàn cầu và hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ và hệ thống kinh tế chia sẻ.
Ba là, làm sao để mọi lĩnh vực, ngành nghề trong nước đều xác định rõ trọng điểm đầu tư và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ (có tri thức công nghệ, có khả năng làm chủ công nghệ, có thể thực hiện các hoạt động trong môi trường công nghệ cao). Ở một số lĩnh vực mà thế giới đã tiến rất xa như tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải,… Chính phủ nên hỗ trợ đi tắt đón đầu, đầu tư tiếp cận thẳng công nghệ 4.0 thay vì để các cơ quan, DN tự mày mò, nghiên cứu.