Cách mạng Tháng Tám tại cố đô Huế: Khí thế những ngày mùa thu lịch sử

ANH TUẤN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong cuộc gặp gỡ với PV Báo Kinh tế & Đô thị, ông Vĩnh Mẫn (số nhà 2/11 Hàn Mặc Tử, TP Huế)- một trong số ít những lão thành cách mạng còn lại của tỉnh Thừa Thiên Huế từng tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám xúc động lần giở những trang tư liệu lưu giữ. Ông Mẫn nhớ rất rõ những ký ức hào hùng, sục sôi những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử ở cố đô Huế 76 năm về trước.

Huế là Kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945), với hệ thống quan lại Nam triều, là nơi bộ máy tối cao của phát xít Nhật đóng quân. Nhân kỷ niệm 76 năm thành công của cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta cùng nhìn lại những mốc son chói lọi của mùa thu lịch sử năm 1945 tại Cố đô Huế.
Những ngày lịch sử
Sau khi có Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã quyết định xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, chủ trương vận động nội các Trần Trọng Kim từ chức, Việt Minh đã giải thích chính sách của Mặt trận là: “Đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để cứu nước khỏi ách nô lệ… kêu gọi mọi người tham gia cứu nước, trước mắt tránh những việc làm có hại cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc mà mặt trận Việt Minh đang tiến hành”. Một số cán bộ Việt Minh tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp gặp mặt để vận động một số Yếu nhân ngả về phía cách mạng.
Nhân dân tuần hành qua cửa Thượng Tứ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế ngày 23/8/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế
Ngày 15/8/1945, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế triệu tập Hội nghị toàn tỉnh thông qua kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền, đặc biệt là TP Huế, trung tâm đầu não của chế độ phong kiến triều Nguyễn.
Riêng đối với vua Bảo Đại, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe được mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vận động thoái vị. Ngày 17/8, Nội các Trần Trọng Kim họp và ngay hôm sau đó vua Bảo Đại đã ban hành Dụ số 105, gồm 2 điểm chính: “Điểm thứ nhất, nhà vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập Nội các. Điểm thứ hai, vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, nhà vua cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân”.
Sân vận động Huế đầu thế kỷ XX (Morin-Husson, 1936). Ảnh: AAVH
Ngày 20/8/1945, Đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí: Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa. Các thành viên trong Đoàn cán bộ Trung ương hoàn toàn thống nhất kế hoạch khởi nghĩa và ngay trong ngày hôm đó thành lập Ủy ban Khởi nghĩa gồm Tố Hữu (Chủ tịch), Hoàng Anh (Phó Chủ tịch) và các ủy viên Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn…
Tại TP Huế, ngày 22/8, quần chúng biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an. Tối cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa gửi tối hậu thư buộc vua Bảo Đại phải thoái vị.
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Vĩnh Mẫn (số nhà 2/11 Hàn Mặc Tử, TP Huế), năm nay đã ngoài 90 tuổi, một trong số ít những lão thành cách mạng còn lại của tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền cách đây 76 năm.
Ông Vĩnh Mẫn lần giở những bức ảnh ngày Cách mạng Tháng Tám diễn ra tại Huế. Ảnh: A. TUẤN
Lần giở những trang tư liệu lưu giữ, ông Mẫn vẫn còn nhớ rõ những ký ức hào hùng, sục sôi những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử ở cố đô Huế 76 năm về trước: “Chiều 23/8/1945, hàng vạn đồng bào Thừa Thiên Huế tập trung trong hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, dự cuộc mít-tinh chào mừng khởi nghĩa thắng lợi tại  sân vận động Huế. Tại đây đồng chí Tố Hữu thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn nêu rõ ý nghĩa tầm vóc của cuộc khởi nghĩa, tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân và giới thiệu thành phần Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch”.
Ông Vĩnh Mẫn nhớ lại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tôn Quang Phiệt kêu gọi toàn dân đoàn kết, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân. Cả TP thật sự sống trong ngày hội của một cuộc cách mạng đổi mới.
Báo Quyết chiến số 2, ra ngày 28/8/1945 có bài tường thuật Ủy ban lâm thời nhân dân cách mệnh Thừa Thiên thành lập sau một cuộc biểu tình khổng lồ chưa từng thấy ở Huế.
Về sự kiện rất quan trọng này của Thừa Thiên Huế, báo Quyết chiến, Cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mệnh, số 2, ra ngày 28/8/1945 đã có bài viết: “Ủy ban lâm thời nhân dân cách mệnh Thừa Thiên thành lập sau một cuộc biểu tình khổng lồ chưa từng thấy ở Huế”, đăng ở trang 1 và 2.
Cờ đỏ, sao vàng tung bay trên Kỳ đài Huế
Sau thắng lợi ở Huế, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam đã gửi đến vua Bảo Đại bức điện với nội dung “Hoan nghênh tinh thần dân chủ và đoàn kết, thống nhất của Hoàng đế. Yêu cầu Hoàng đế hạ dụ chính thức thoái vị để yên lòng dân”. Chiều ngày 25/8, Phạm Khắc Hòe cho niêm yết Chiếu thoái vị và bản Tuyên chiếu với Hoàng tộc tại Phu Văn Lâu. Cùng ngày, phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời gồm Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận rời Hà Nội để vào Huế tiếp nhận sự thoái vị vủa vua Bảo Đại.
Đến ngày 29/8, tại điện Kiến Trung, phái đoàn Trung ương gặp vua Bảo Đại để bàn thủ tục của buổi lễ thoái vị.
Trưởng đoàn Trần Huy Liệu (phải) nhận thanh kiếm nạm ngọc từ vua Bảo Đại thoái vị, chiều 30/8/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế
Chiều ngày 30/8, lễ thoái vị của Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong kinh thành. Hơn 5 vạn người thuộc 6 huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền cùng với các tầng lớp nhân dân TP Huế tập hợp với hàng ngũ chỉnh tề trên sân cỏ trải rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân Kỳ đài.
Ngọ Môn Huế, nơi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử vua Bảo Đại trao ấn, kiếm cho cho ông Trần Huy Liệu - Đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: A. TUẤN
Buổi lễ bắt đầu với sự hiện diện của vua Bảo Đại và Đoàn đại biểu chính phủ lâm thời. Trước hết, đại diện phái đoàn đọc bức điện mới nhận được cho biết Chính phủ lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân tại Hà Nội vào ngày 2/9, và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập.
Vua Bảo Đại chít khăn vàng, mặc hoàng bào đứng chờ sẵn ở cửa. 3 đại biểu của phái đoàn bước lên Ngọ Môn trong tiếng hoan hô sôi nổi của người dân kinh đô Huế.
Kỳ Đài Huế, nơi lá cờ quẻ ly được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên vào ngày 30/8/1945.
Sau đó, vua Bảo Đại đọc bản tuyên bố thoái vị. Trên Kỳ đài, lá cờ quẻ ly của nhà vua (treo sẵn từ giữa trưa theo yêu cầu của Bảo Đại) được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên. Vua Bảo Đại hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Ông Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng này trong tiếng hô reo rền vang của nhân dân Thừa Thiên Huế: “Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Đã 76 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, đó là những ký ức không thể nào phai. Những địa danh như Ngọ Môn, Kỳ đài, sân vận động vẫn còn đó; biểu tượng Kinh Đô của nước Việt Nam, nơi chứng kiến, lưu dấu sự kiện cách mạng Tháng 8 tại Huế và vua Bảo Đại thoái vị. Đây cũng chính là đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến Việt Nam. Đồng thời nó mở ra một sự kiện mới, lớn hơn là sự kiện 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít–tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần