Cách nào chặn doanh nghiệp chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những lỗ hổng liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần giám sát chặt hơn nữa để sớm phát hiện những bất thường, từ đó ngăn chặn hiệu quả việc doanh nghiệp chiếm dụng Quỹ bình ổn giá.

Doanh nghiệp ngó lơ trả tiền nợ quỹ

Đã gần 2 tháng kể từ khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt tồn tại trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, song đến nay việc thu nợ quỹ từ doanh nghiệp sai phạm vẫn dậm chân tại chỗ.

Nhiều lỗ hổng liên quan đến quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu đã xảy ra trong thời gian qua. Ảnh minh họa
Nhiều lỗ hổng liên quan đến quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu đã xảy ra trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Theo thông tin mới nhất liên quan các vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp ngân sách số tiền nợ quỹ hơn 600 tỷ đồng và tiền lãi phạt chậm nộp vào ngân sách sau hơn 1 tháng, song doanh nghiệp không có hồi âm.

Trước đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi Công ty TNHH TM Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, yêu cầu nộp số nợ Quỹ bình ổn giá hơn 200 tỉ đồng. Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Xuyên Việt Oil chuyển nộp toàn bộ số dư Quỹ dình ổn giá tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước; đồng thời gửi bản sao chứng từ nộp tiền về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa nhận được thông tin về việc thực hiện chuyển nộp số dư Quỹ bình ổn giá từ 2 doanh nghiệp nêu trên. Đây là 2 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn có vi phạm liên quan quỹ đã được Thanh tra Chính phủ kết luận và công bố ngày 4/1.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình cho biết, các doanh nghiệp trên thuộc diện thu hồi Quỹ bình ổn giá về ngân sách nhà nước. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần yêu cầu, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện việc nộp Quỹ bình ổn giá về ngân sách.

Cả Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro đều liên quan một số vụ án đang trong quá trình điều tra. Do đó, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế, thu hồi cần phối hợp với các bên liên quan theo trình tự, quy định. Về phía Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp theo chức năng, nhiệm vụ để thu hồi Quỹ bình ổn giá về ngân sách.

Siết quản lý để chặn chiếm dụng

Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn giá được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.

 

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu mối trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích trong suốt thời gian dài nhưng không bị phát giác. Việc thu hồi tồn dư quỹ từ các doanh nghiệp sai phạm cũng vô cùng gian nan. Do vậy, cần sớm có dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới, thay thế các Nghị định cũ đã ban hành.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, việc quản lý Quỹ bình ổn giá thời gian qua đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự lỏng lẻo, công tác giám sát chưa được chú trọng. Hệ quả là có một số doanh nghiệp đã chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng tiền quỹ.

“Quỹ bình ổn giá là quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng dầu người dân mua, song lại đặt ở doanh nghiệp là không hợp lý. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét thấu đáo việc này trong lần sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu tới đây, theo hướng đặt quỹ ở bộ quản lý như Bộ Tài chính hoặc Bộ Công Thương” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Trước những lỗ hổng liên quan Quỹ bình ổn giá, TS Vũ Vũ Vinh Phú cho rằng, ngoài báo cáo từ các doanh nghiệp đầu mối, liên bộ Tài chính - Công Thương cần tăng cường giám sát việc trích lập, sử dụng quỹ này để sớm phát hiện những bất thường, từ đó ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Điều quan trọng là công tác giám sát phải chặt chẽ trên cơ sở Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cụ thể, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá; báo cáo, công khai theo quy định.

Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vi phạm, căn cứ mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Nhằm khắc phục những bất cập trong việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá thời gian qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng quỹ.

Trước tình trạng doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng Quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại là nơi thương nhân kinh doanh xăng dầu mở tài khoản quỹ để theo dõi việc sử dụng tài khoản quỹ. Qua đó, kịp thời phát hiện dòng tiền bất thường ra, vào tài khoản Quỹ bình ổn giá.