Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách nào để nói chuyện với tuổi teen?

Nguyễn Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bậc bố mẹ than thở với nhau: “Con lúc nhỏ thì dễ thương. Đến khi chúng lớn, bước vào tuổi teen, tuổi dậy thì, không cách nào dạy chúng. Chúng ương bướng. Nói với chúng, chúng cứ ỳ ra, lảng tránh, không thèm nói chuyện với mình”.

Đó là tình trạng chung của nhiều người khi con đang ở tuổi “không còn nhỏ, cũng chưa lớn hẳn”. Ở tuổi này, về khía cạnh sinh học, phần lớn đang tuổi dậy thì nên có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Chúng phát triển vào giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn và thường có những ngộ nhận về cuộc sống, dễ xúc động, dễ stress và do đó cũng dễ thu mình trong thế giới riêng.
Chúng thường cho rằng người lớn không hiểu chúng, không thông cảm cho những hành động mà chúng cho là hợp lý; còn cha mẹ thấy dại dột, nông nổi vô cùng.
 Ảnh minh họa.
Đây chính là lúc bố mẹ cần thay đổi để giúp con mình từ từ vượt qua giai đoạn khó khăn. Cha mẹ cần có những kỹ năng tiếp cận và trò chuyện với con mình.
Trước hết, theo các chuyên gia tâm lý, mở đầu cuộc nói chuyện, cha mẹ cần tránh cách “vào đề”: Nào chúng ta hãy nói chuyện! Bởi cách tiếp cận như vậy khiến trẻ thu mình lại, chuẩn bị phản ứng tiêu cực kiểu như tảng lờ đi, mắt nhìn ra cửa sổ, và sẵn sàng tìm cớ để bỏ đi.
Hoặc bố mẹ bắt đầu cuộc nói chuyện với con bằng câu: “Bố mẹ muốn con có trách nhiệm hơn trong học tập…”. Lập tức đứa trẻ nghĩ mình là đứa vô trách nhiệm, cuộc nói chuyện sẽ diễn ra giữa “người buộc tội” và người có tội”. Thế là đứa trẻ lập tức phản ứng tiêu cực bằng cách này và cách khác, cuộc nói chuyện bị đứt đoạn không có cái kết tích cực.
Thay vì vào đề trực tiếp cuộc nói chuyện với con, bố mẹ nên tìm cách tiếp cận gián tiếp, trong không gian sinh hoạt chung, như cùng ngồi đọc sách, cùng làm vườn, hay chăm thú cưng… Từ đó, đứa trẻ thường la người bắt chuyện trước.
Trong nói chuyện, thay vì giảng giải (nhiều phụ huynh còn lên giọng răn đe), nên hỏi con những vấn đề cần quan tâm, như việc học một cách tế nhị, như: Con chuẩn bị cho kỳ thi như thế nào rồi? Lúc trẻ trả lời xong, phụ huynh mới hướng dẫn thêm cho con cách chuẩn bị cho kỳ thi đúng đắn hơn.
Cuộc nói chuyện phải xuất phát từ sự đồng cảm, tránh sự giận dữ. Ví dụ, hỏi về kỳ thi, nếu trẻ cho biết nó cảm thấy khó đạt điểm để qua (hoặc đậu) kỳ thi, thay vì yêu cầu con học hành chăm chỉ hơn, bố mẹ nên thông cảm: “Kỳ thì thật không dễ dàng nhỉ?”. Với sự thông cảm này, đứa trẻ sẽ cảm thấy nó không bị đổ lỗi, không mặc cảm và sẽ tìm cách học ôn tốt hơn.
Còn khi bố mẹ không đồng ý với thói quen xấu của con? Ví dụ như chúng sa đà vào máy tính, điện thoại thông minh? Với trẻ tuổi teen, chúng ta chớ vội phê phán. Hãy bàn bạc và trao đổi với chúng, đưa ra giải pháp chung, như: Dùng máy tính, điện thoại như thế nào, thời gian trong bao lâu?...
Cuối cùng với trẻ tuổi teen, bạn nên xin lỗi nếu mình mắc sai lầm nào đó với chúng. Tuyệt vời hơn nên hỏi: “Con nghĩ làm cách nào để bố mẹ sửa sai nhỉ?”.