Cách nhận biết gà thải loại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gà là thực phẩm không thể thiếu được trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt. Tuy nhiên, để chon được gà ngon, an toàn không phải ai nào cũng biết. Vậy làm thế nào để phân biệt được gà thải loại?

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), 100% gà thải loại nhập lậu vào Việt Nam đều tồn dư kháng sinh và có nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi đây là loại gà đã kết thúc giai đoạn sinh sản.

Trong quá trình sinh sản, loại gà này được tiêm rất nhiều loại kháng sinh để tăng năng suất trứng. Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, 2 loại kháng sinh trên đã bị cấm trong chăn nuôi. Chloramphenico đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm trong thức ăn chăn nuôi.
Gà thải loại có chứa kháng sinh gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Gà thải loại có chứa kháng sinh gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Chloramphenico gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, làm thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, gây kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn.

Đối với loại kháng sinh Cycline, nếu sử dụng nhiều gây ảnh hưởng tới hệ thống gan, dẫn đến suy gan. Ngoài tồn dư kháng sinh, trong gà thải loại còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ từ vacxin phòng bệnh, đặc biệt là thuốc kích thích để gà đẻ trứng nhiều hơn.

Trên thực tế, nếu gà thải loại sau khi giết mổ được bày bán tại các chợ thì rất khó phân biệt được.

  Để phân biệt gà thải loại chị em phụ nữ cần dựa vào những yếu tố sau:

 - Gà càng đẻ nhiều thì càng béo, nhiều thịt nạc, lông rụng, không mượt, cựa dài, hậu môn to. Đặc biệt mào ngả sang bên, chân khô, mốc. Vì gà đẻ hay mổ nhau nên người nuôi thường cắt bớt mỏ. Vì vậy, gà đẻ nhiều có mỏ ngắn, không nhọn, quặp.

- Nếu muốn biết gà đó có kháng sinh hay không, nhìn mắt thường khó biết, chỉ có thể lấy máu, lấy mẫu thịt có thể phân tích ra.

- Gà ngon là những con gà nuôi tầm 4 tháng, lông mượt, mọc đều, mào vừa tầm, dựng, chân mượt, cựa nhỏ, không dài, hậu môn chặt.

- Khi chọn gà, nên đứng xa rồi mới lại gần. Vì nhìn từ xa, thấy gà mở mắt, mắt sáng thường là gà khỏe. Lại gần, người bán gà khua tay hoặc rung lồng thì gà sẽ mở mắt.

- Khi lại gần, sờ diều gà không quá no, quá đói, phân gà như con ốc, mào phải đỏ, dựng, ngực chắc, không có tiếng khò khè. Lông gà càng vàng, càng sáng thì da vàng và là gà ngon. Nếu có điều kiện, mua gà về nên nhốt trước khi ăn vài hôm và cho ăn gạo, thóc của gia đình, vì nếu gà đó có cho thuốc kháng sinh thì thuốc sẽ được thải ra ngoài sẽ bớt độc.

Cũng theo khuyến cáo của Cục Thú y, nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt gà ta và gà thải loại. Tuy nhiên, các bà nội trợ sẽ dễ nhận diện gà thải loại khi sờ trực tiếp bằng tay.

 - Nếu là gà thải, do đẻ trứng trong thời gian dài nên lông ở phần cổ và phần đầu bị trụi, phần hậu môn sẽ phình to. Khi mổ, thấy buồng trứng teo nhỏ, có xuất huyết trong bụng gà.

-  Theo một số người tiêu dùng có kinh nghiệm, gà Trung Quốc da thường nhăn nheo, thịt khi luộc lên có màu trắng bệch, dai, thậm chí có mùi giống như mùi thuốc kháng sinh.